Hoạt động của Học viện
Thứ Năm, 18/4/2019 11:52'(GMT+7)

“Xây dựng kỹ năng tham dự phiên tòa cho Điều tra viên trong Công an nhân dân”

 

Xây dựng kỹ năng tham dự phiên tòa cho điều tra viên


Tham dự còn có TS. Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC); đồng chí Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sự thành phố Hà Nội; TS. Nguyễn Chí Công - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học - TANDTC; PGS.TS Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng các đồng chí là Chánh án TAND, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo

Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia tố tụng hình sự thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Đại tá, PGS.TS Phạm Công Nguyên - Phó Giám đốc Học viện CSND báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học

Đại tá, PGS.TS Phạm Công Nguyên - Phó Giám đốc Học viện báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Bộ luật TTHS năm 2015 quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền, nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Chính vì vậy, để giúp Hội đồng xét xử ban hành bản án, quyết định về hình sự có căn cứ và hợp pháp, đạt được mục đích của tố tụng hình sự và góp phần làm cho nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm thực hiện trên thực tế, Điều 296 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: Trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. Điều 317 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

TS. Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án TANDTC tham luận về chế định chứng cứ trong Bộ luật TTHS năm 2015

TS. Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án TANDTC tham luận về chế định chứng cứ trong Bộ luật TTHS năm 2015

Thời gian vừa qua, trong quá trình xét xử một số vụ án hình sự, Hội đồng xét xử đã triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để trình bày, làm rõ những những vấn đề có liên quan đến các quyết định, hành vi tố tụng của mình trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định rõ trường họp nào là cần thiết để triệu tập Điều tra viên đến phiên toà, tư cách tham gia tố tụng của Điều tra viên cũng như vị trí của Điều tra viên tại phiên toà như thế nào... Ngoài ra, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về sự tham dự phiên tòa của Điều tra viên và những người khác trong quá trình xét xử vẫn đang còn có các ý kiến khác nhau cần được làm sáng tỏ.

Tình hình trên trên đã đặt ra nhiệm vụ cần phải có sự nghiên cứu chuyên sâu của các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và cán bộ thực tiễn về vấn đề này. Từ đó, đề ra các phương hướng, giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng, đây là những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.

TS. Nguyễn Văn Điệp - Phó Giám đốc Học viện Tòa án nêu những kỹ năng tham gia hỏi hoặc trả lời câu hỏi khi tham gia phiên tòa

TS. Nguyễn Văn Điệp - Phó Giám đốc Học viện Tòa án nêu những kỹ năng tham gia hỏi hoặc trả lời câu hỏi khi tham gia phiên tòa

Với mục đích tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan đến quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về nội dung nêu trên, Học viện CSND tổ chức Hội thảo khoa học: “Xây dựng kỹ năng tham dự phiên tòa cho Điều tra viên trong Công an nhân dân”. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn cũng như các đại biểu đến từ các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đánh giá về những kỹ năng cần thiết của Điều tra viên khi tham dự phiên tòa; từ đó đề ra chủ trương, giải pháp và những kiến nghị, đề xuất, tham mưu với Bộ Công an để kịp thời nâng cao kỹ năng của Điều tra viên, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Phùng Hồng - Chuyên viên cấp cao Bộ Công an tham luận về vấn đề xây dựng kỹ năng tham dự phiên tòa cho Điều tra viên

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Phùng Hồng - Chuyên viên cấp cao Bộ Công an tham luận về vấn đề xây dựng kỹ năng tham dự phiên tòa cho Điều tra viên

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đi sâu làm rõ một số nội dung trọng tâm sau:

- Làm rõ những vấn đề lý luận và pháp luật liên quan đến quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về việc triệu tập Điều tra viên và những người khác có mặt tại phiên tòa.

- Thực tiễn tham dự phiên tòa của Điều tra viên và những người khác theo triệu tập của Hội đồng xét xử trong thời gian vừa qua;

- Những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc triệu tập Điều tra viên và những người khác đến phiên toà và việc tổ chức để tạo điều kiện cho họ trình bày ý kiến của mình tại phiên toà;

- Kỹ năng tham dự phiên tòa và nâng cao nhận thức cho Điều tra viên về trách nhiệm khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự;

- Trao đổi kinh nghiệm và đánh giá đúng thực trạng, yêu cầu; qua đó đề xuất các giải pháp để hướng dẫn và hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến kỹ năng tham dự phiên tòa cho Điều tra viên trong Công an nhân dân;

Kết luận tại Hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện nêu rõ: “Với nội dung phong phú và thiết thực của các tham luận, Hội thảo đã đem lại những kết quả tốt đẹp, đóng góp những ý kiến tâm huyết, quý báu liên quan đến xây dựng kỹ năng tham dự phiên tòa cho Điều tra viên trong Công an nhân dân. Tài liệu, tư liệu của Hội thảo sẽ là nguồn tham khảo để Học viện CSND đề xuất xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tham dự phiên toà cho Điều tra viên trong Công an nhân dân trong thời gian tới”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

PV