Hoạt động của Học viện
Thứ Năm, 28/2/2008 0:24'(GMT+7)

Tự hào về sự trưởng thành và lớn mạnh của Học viện CSND

Đồng chí Đặng Cân nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện CSND)

Vừa qua, Học viện CSND vinh dự được nhân Cờ thi đua luân lưu của Chính phủ, đây thực sự là một phần thưởng xứng đáng, xin chúc mừng Học viện của chúng ta, điều đó đã khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh của toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên toàn Học viện, là kết quả của sự phấn đấu không mệt mỏi gần 40 năm của các thế hệ thầy và trò của nhà trường.

Tôi là một trong những người đầu tiên có mặt khi trường mới thành lập, ở Suối Hai - BaVì - Hà Tây nơi rừng núi heo hút, xa trung tâm, phương tiện đi lại hết sức khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn lạc hậu, đội ngũ giảng viên ban đầu chỉ có 43 người phần lớn được tuyển từ những cán bộ trưởng thành từ thực tiễn chiến đấu, cho đi học lớp ngắn hạn về làm giảng viên. Hệ thống giáo trình và tài liệu học tập bắt đầu từ con số không, thầy giáo giảng bài chủ yếu bắng những kinh nghiệm trong thực tiễn chiến đấu là chính. Từ đó đến nay nhà trường đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ trải qua nhiều bước thăng trầm để đến hôm nay tôi hết sức tự hào và cảm động khi nhìn thấy sự trưởng thành và lớn mạnh của Học viện, nhìn thấy cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ sánh ngang với các trường bạn. Các thế hệ học viên của nhà trường nhiều đồng chí là Anh hùng lực lượng vũ trang, là lãnh đạo chủ chốt trong các Cục, Vụ, Viện và Công an các tỉnh thành trong cả nước. điều đó đã nói lên công lao to lớn của các thế hệ cán bộ và học viên của nhà trường.

Năm mới Mậu tý xin chúc toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên toàn Học viện có sức khoẻ, thành đạt trên con đường sự nghiệp, phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước quyết tâm giữ vững lá cờ mà Chính phủ trao tặng, xứng đáng là một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đầu ngành của Bộ Công an, đưa nhà trường trở thành một nhà trường chính quy và hiện đại.

Đồng chí Bùi Đăng Thìn nguyên là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện CSND)

Năm 1968 Trường Cảnh sát Nhân dân được thành lập, tôi được Bộ phân công công tác tại Khoa CSND (Khoá 55). Khó khăn lớn đã để lại nhiều ấn tượng nhất đối với tôi trong quá trình phấn đấu vượt qua đó là thiếu tài liệu giảng dạy và kinh nghiệm từ thực tiễn.

Để khắc phục tình trạng trên, giáo viên phải tự mình liên hệ với các cục nghiệp vụ và các địa phương - nhất là các địa phương có nhiều thành tích xuất sắc trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội để mượn hồ sơ, tài liệu nghiên cứu. Do chưa có phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy photocoppy nên giảng viên phải tự ghi chép những tư liệu cần thiết vào sổ bảo mật do Phòng Tư liệu cấp phát. Thời gian nghiên cứu, ghi chép chỉ được thực hiện trong giờ làm việc, hết giờ phải trả lại hồ sơ, tài liệu cho cán bộ quản lý. Vì vậy để có nhiều thời gian nghiên cứu, ghi chép, giảng viên phải đến liên hệ sớm trong hoàn cảnh phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe đạp hoặc đi ô tô ngoài.

Khác với địa điểm của Trường ở Suối Hai (vùng đất cao) còn địa điểm Học viện Cảnh sát Nhân dân (Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội) trong những ngày tháng đầu là đồng ruộng, cỏ dại mọc um tùm, có chỗ là ruộng sâu ngập nước, Đoàn chuyên gia Liên Xô cũ đã có lần đến thăm, nhìn thấy nước ngập đầy ruộng đã nói vui “các đồng chí hãy mua cá để nuôi”.

Năm 1984 Đại tá Hiệu trưởng Phạm Minh quyết định thành lập Ban quản lý công trình 75815 do tôi làm Trưởng ban, đồng chí Trần Văn Phúc - Phó ban và một số cán bộ phòng hậu cần, nhà ăn v.v… Vạn sự khởi đầu nan, công việc phải tiến hành ngay và chiếm khá thời gian đó là việc tổ chức khoan, thăm dò địa chất, làm đường và vận chuyển đất, san nền trong tình trạng ruộng ngập nước, đường đi lầy lội nên khá vất vả, nhất là về mùa mưa.

Nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, sự hướng dẫn và giúp đỡ của Cục Xây dựng, sự nhiệt tình và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Ban quản lý, chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đã xây dựng được một số nhà ở cao tầng cho sinh viên, nhà ăn, hệ thống dẫn nước lọc từ giếng khoan và một số nhà cấp 4 cho cán bộ, giảng viên công nhân viên ở và làm việc. Năm 1989 Ban Giám hiệu quyết định chuyển một bộ phận cán bộ, công nhân viên và học viên về trường mới - mở đầu cho việc chuyển cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên toàn trường.

Nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua kể từ khi thành lập Trường CSND 15/05/1968, sau đó là Trường Sĩ quan Cảnh sát, tiến lên Trường Đại học CSND và nay là Học viện Cảnh sát Nhân dân, chúng ta vô cùng phấn khởi và tự hào bởi sự phát triển và trưởng thành không ngừng về mọi mặt - nhất là đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ chỉ có 43 giáo viên khi mới thành lập Trường, nay Học viện đã có 234 giáo viên, trong đó có 02 Giáo sư, 09 Phó giáo sư, 26 tiến sĩ, 118 thạc sĩ, 89 giảng viên chính và còn nhiều cán bộ, giáo viên đang học cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài Học viện. Đây là tiềm lực và là “tài sản” quý giá nhất quyết định chất lượng đào tạo của Học viện CSND trước mắt cũng như lâu dài.

Nhân dịp đón xuân mới năm 2008, cũng là năm chúng ta kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Học viện CSND, chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt đến các đồng chí trong Ban Giám đốc, các đồng chí cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên toàn trường. Xin tặng Học viện 4 câu thơ:

Chúc các Thầy, Cô mỗi tháng ngày

Sự nghiệp trồng người luôn hăng say

Đỉnh cao trí tuệ nhanh vươn tới

Thành tích ngày mai hơn hôm nay.

Đồng chí Lê Anh San nguyên là Phó hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân( nay là Học viện Cảnh sát nhân dân)

Các thế hệ học sinh của nhà trường chúng ta có thể chia thành 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn thứ nhất là từ 1968-1975-1996 đây có thể nói thời kỳ vất vả nhất của nhà trường. Như lời nhận xét của cố Hiệu trưởng trường Công an Phạm Văn Nghi có viết “Cổ-Linh-Tinh-Quái” (quái ở đây là sự nắm bắt, thực hiện biến đổi con người và xã hội) thời kỳ này học sinh phần đa xuất thân từ nông thôn, được đào tạo ở miền rừng núi nhưng lại về công tác tại thành phố, thị xã, vùng đông dân cư và tự độc lập công tác chiến đấu. Cơ sở vật chất nghèo nàn, cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn cả vật chất và tinh thần. Ăn, ở, học hành, đi lại phần lớn đều tự túc, nhưng học viên thời kỳ này có một ý chí và niềm tin thật tuyệt vời, có kỷ luật kỷ cương, ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp cao.

Giai đoạn từ 1997-2008: Cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước. Học viện CSND cũng năm trong xu thế đó. Thầy giáo và học viên trong giai đoạn này được tiếp cận với nền kinh tế hội nhập, kinh tế tri thức. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường ngày càng khang trang. Các phương tiện kỹ thuật được áp dụng trong công tác giảng dạy, đòi hỏi thầy và trò đều phái có phương pháp tư duy khác với việc dạy và học của thế hệ trước rất nhiều.

Đón xuân mới Mậu Tý 2008 tôi có vài lời khuyên với cán bộ, học viên Học viện như sau:

Xây tri thức mỗi người tiến bộ, Học viện vững mạnh đổi mới

Xây quan hệ quốc tế vì nền độc lập và bình yên của nhân dân

Xây văn minh để từng thế hệ Công an sáng tạo

Chống tự do cá nhân núp bóng dân chủ tập thể.

Chào thân ái và quyết thắng !

PV: Xin cảm ơn các đồng chí, nhân dịp năm mới, kính chúc các đồng chí và gia đình luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc!

Tạp chí Khoa học và Giáo dục trật tự xã hội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất