Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đã đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn học sinh, sinh viên có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Vẫn còn một số thầy, cô giáo chưa thực sự là tấm gương về đạo đức, lối sống; nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống chậm đổi mới, chưa phù hợp với thực tiễn.
Mặt trái của nền kinh tế thị trường; hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, trên phim ảnh, internet, sách báo... đã tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên. Do đặc thù tâm lý lứa tuổi, nếu không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập, các mối quan hệ xã hội sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện chủ trương “dạy chữ” đi đôi với “dạy người”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục đạo đức, cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và trải nghiệm. Khuyến khích xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học. Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Rà soát đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục đạo đức; đổi mới đào tạo giáo viên về đạo đức nhà giáo; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội; kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý và chịu trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của cha mẹ, ông bà trong giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu.
Bộ thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương người tốt, việc tốt trong học sinh, sinh viên; đồng thời phê phán những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống.
Bộ Công an đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, đặc biệt là khu vực xung quanh trường học; phòng, chống, xử lý tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến học sinh, sinh viên.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan cân đối, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của các đề án, chương trình về giáo dục đạo đức, lối sống được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp ngân sách nhà nước.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhà trường tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội tích cực tham gia công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị.
BBT