Tiêu điểm
Thứ Sáu, 6/9/2019 16:45'(GMT+7)

Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng

Công an tỉnh Bắc Ninh đến hộ gia đình chính sách xã Ngọc Xá (Quế Võ) thực hiện thủ tục cấp, đổi chứng minh nhân dân năm 2016.

Công an tỉnh Bắc Ninh đến hộ gia đình chính sách xã Ngọc Xá (Quế Võ) thực hiện thủ tục cấp, đổi chứng minh nhân dân năm 2016.

Trong hơn 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận đã đạt được kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước. Những kết quả đạt được cùng những chuyển biến tích cực trong công tác dân vận của cả hệ thống chính trị được thể hiện trên một số mặt chủ yếu như sau:

Tăng cường xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân

Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác xây dựng Đảng, việc nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 4 (các khóa XI, XII), Nghị quyết T.Ư 6, 7 (khóa XII). Công tác phòng, chống tham nhũng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng; kịp thời kiểm tra cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, xử lý, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tổ chức cơ sở đảng được củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tạo sự chuyển biến về chất trong hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở gần dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm với Nhân dân.

 

Tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của Nhân dân. Nhiều văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung cơ chế để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng. Việc phản ánh ý kiến của người dân qua hoạt động của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội và trực tiếp của Nhân dân được quan tâm, công khai báo cáo kiến nghị của cử tri cả nước và kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Các cấp ủy, chính quyền tăng cường đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân; tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện, góp ý xây dựng đảng, chính quyền; phân công trách nhiệm cụ thể để giải quyết, trả lời phản ánh, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; chú trọng việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cốt cán trong tôn giáo; quan tâm chỉ đạo giải quyết những vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương.

Công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ nét hơn.

Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức. Nội dung giám sát tập trung vào những chủ trương, chính sách quan trọng, có liên quan mật thiết đến người dân, những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở nhiều địa bàn, giám sát thực hiện luật pháp, nghị quyết của Quốc hội. Hoạt động tiếp xúc cử tri được đổi mới, mở rộng thêm nhiều hình thức (tiếp xúc nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, theo đối tượng và cá nhân hoặc nhóm cử tri...) ngày càng phát huy tốt hơn trách nhiệm của cử tri, của đại biểu trong việc tham gia góp ý xây dựng, quyết định chính sách, pháp luật.

Chính phủ và chính quyền các cấp đẩy mạnh việc thể chế đường lối, quan điểm của Đảng, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác dân vận, nhất là thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở... Tích cực triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân, hoạt động giám sát của Nhân dân đối với cơ quan hành chính, hoạt động tiếp dân, đối thoại... Tăng cường việc công khai quy định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để Nhân dân biết và giám sát; đã có sự chuyển biết rõ nét hơn về tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quyền các cấp.

Công tác dân vận của Quân đội và lực lượng Công an được tăng cường. Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội đã ban hành nghị quyết, quy chế lãnh đạo, thực hiện công tác dân vận; đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong toàn quân. Triển khai sáng tạo, có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; chú trọng vận động Nhân dân ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng ngừa và tham gia đấu tranh với các loại tội phạm buôn bán ma túy, vũ khí, buôn bán người, gian lận thương mại, khai thác tài nguyên trái phép... góp phần củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, cảnh giác với âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch. Lực lượng Công an đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp vận động Nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với nhiều cách làm hay, hiệu quả.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và Nhân dân

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng hướng về cơ sở, làm nòng cốt trong việc nắm bắt tình hình Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống của Nhân dân. Công tác nắm tình hình quần chúng được đổi mới, sát hơn với thực tiễn, nhất là những vấn đề phức tạp, người dân bức xúc; bám sát cơ sở, phân công cán bộ về địa bàn, xây dựng lực lượng cốt cán, phối hợp tuyên truyền, vận động, giải quyết tình hình khiếu kiện phức tạp, đông người, phản ứng cực đoan của một bộ phận người dân tại một số địa bàn góp phần ổn định tình hình. Tạo điều kiện để các Hội quần chúng hoạt động, từng bước đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp Nhân dân; khuyến khích các hội quần chúng hoạt động gắn với quyền lợi chính đáng của hội viên, tích cực đóng góp cho xã hội.

Những kết quả quan trọng này đã góp phần tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, tạo sự đồng thuận, vận động Nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, có thể thấy công tác dân vận của hệ thống chính trị còn một số hạn chế, yếu kém như:

Nhận thức và trách nhiệm lãnh đạo, thực hiện công tác dân vận của cấp ủy tổ chức đảng một số nơi chưa có sự chuyển biến rõ nét; chưa thực sự coi trọng và đổi mới công tác vận động quần chúng; chưa thực sự lấy lợi ích chính đáng của Nhân dân làm mục tiêu, động lực nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chưa tạo nhiều cơ chế, điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tham gia giám sát, góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền.

Chưa thể chế kịp thời, đầy đủ chủ trương, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực công tác dân vận; một số chính sách ban hành chưa lắng nghe thấu đáo ý kiến Nhân dân; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức sâu sắc vai trò của công tác dân vận trong thực thi chức trách, nhiệm vụ. Nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội chưa đổi mới mạnh mẽ, kịp thời. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu tình hình mới, chưa gắn kết chặt chẽ quyền, lợi ích thiết thực của đoàn viên, hội viên và nhân dân với việc tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW thời gian qua, bước đầu có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cần thiết:

Một là, công tác dân vận phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với Nhân dân; thực sự phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là từ cấp T.Ư.

Hai là, phải chú trọng thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; khuyến khích, tạo điều kiện để Nhân dân phát huy đầy đủ tình cảm và trách nhiệm của mình tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Ba là, cần phải xác định trọng tâm của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay là đáp ứng nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực sự thấm nhuần tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, nhất là trong hoạt động quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp; phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước chân chính, ý thức tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, mọi nguồn lực trong nhân dân cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Bốn là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận, chú trọng công tác dân vận chính quyền; đổi mới công tác dân vận của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng sát hợp với tình hình mới; quan tâm công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có tôn giáo, những địa bàn có vấn đề phức tạp...

Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW và các văn bản của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh

Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về quan điểm, đường lối của Đảng đối với công tác dân vận, yêu cầu đổi mới công tác dân vận trong quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; thực sự coi trọng phát huy dân chủ và đáp ứng lợi ích chính đáng của Nhân dân là động lực phát huy tiềm lực và khối đoàn kết toàn dân.

Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu cao tinh thần gương mẫu, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên, đấu tranh với quan điểm, luận điệu của thế lực thù địch, phản động; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thường xuyên sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến góp ý, phản ảnh, kiến nghị của các tầng lớp Nhân dân; rà soát giải quyết kịp thời, có hiệu quả nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Những vấn đề phức tạp phát sinh, chưa đồng thuận cao cần tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu các cấp để vận động, giải thích, giải quyết thỏa đáng; giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người còn tồn đọng, chủ động ngăn ngừa, xử lý sớm các vấn đề có thể phát sinh phức tạp trong đời sống xã hội.

2. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng liên quan đến công tác dân vận, cuộc sống của Nhân dân

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành chủ trương, quyết sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, pháp luật liên quan đến cuộc sống người dân, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Quan tâm các chính sách tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động thu nhập thấp, người yếu thế.

Quá trình ban hành chính sách, pháp luật cần tạo điều kiện cho Nhân dân nhất là các đối tượng chịu tác động trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến, góp phần quyết định các chính sách có liên quan mật thiết đến cuộc sống của mình. Đối với những vấn đề lớn, nhạy cảm phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá toàn diện, tiếp thu ý kiến, tạo điều kiện cho MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia phản biện trước khi quyết định.

Trên cơ sở đường lối của Đảng, Hiến pháp (sửa đổi năm 2013), tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định 60/NĐ-CP, 04/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan để nghiên cứu ban hành pháp luật về thực hành dân chủ ở cơ sở phù hợp với tình hình mới.

3. Tăng cường công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp

Đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước gắn với việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch; nâng cao đạo đức công vụ, mở rộng việc thực hiện việc đánh giá sự hài lòng của Nhân dân đối với cơ quan hành chính, lấy phiếu tín nhiệm của các cơ quan dân cử.

Khắc phục tính hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ. Tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính nhà nước về kỹ năng công tác dân vận, tiếp dân, đối thoại, xử lý những tình huống trong quan hệ với dân... nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tinh thần thái độ, ý thức phục vụ Nhân dân.

4. Phát huy dân chủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, hoàn thiện cơ chế cụ thể, thuận lợi để Nhân dân được thông tin, tham gia ý kiến đóng góp, giám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mở rộng và tạo điều kiện cho các hoạt động tự quản của Nhân dân như ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải cơ sở...

Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực; đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Tạo sự chuyển biến thực sự trong nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng. Đổi mới cách thức nắm tình hình Nhân dân, đánh giá, dự báo kịp thời diễn biến trong các tầng lớp Nhân dân; làm tốt công tác tham mưu cũng như phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Thực hiện có hiệu quả vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp Nhân dân gắn với công tác phát triển đoàn viên, hội viên và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức.

Hoạt động giám sát hướng đến các vấn đề liên quan mật thiết, bức xúc của người dân; chủ động và đổi mới hoạt động phản biện thông qua việc phát huy vai trò tư vấn của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp Nhân dân; triển khai có hiệu quả Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư về giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

5. Kiện toàn tổ chức, bộ máy; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội

Kiện toàn tổ chức, bộ máy của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, ban dân vận các cấp theo Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tập trung cho cơ sở, gắn bó với đoàn viên, hội viên, từng bước khắc phục “hành chính hóa”, “công chức hóa”. Thực hiện thí điểm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi đủ điều kiện.

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có năng lực và đạo đức, có kinh nghiệm thực tiễn, có kỹ năng làm công tác dân vận; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ làm công tác dân vận, không phân công cán bộ vi phạm kỷ luật hoặc phẩm chất, năng lực yếu kém, không có uy tín với Nhân dân làm công tác dân vận.

Nguồn Báo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất