Hoạt động của Học viện
Thứ Sáu, 13/11/2020 17:23'(GMT+7)

Tâm lý tội phạm và tâm lý trong hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy

Đại tá Phạm Văn Chình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an báo cáo tại hội trường.

Đại tá Phạm Văn Chình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an báo cáo tại hội trường.

 

Buổi báo cáo thực tế có sự tham dự của lãnh đạo Khoa Tâm lý, tập thể giảng viên của đơn vị và gần 300 học viên của 06 lớp thuộc ba hệ học: hệ Đào tạo chính quy, hệ Vừa làm vừa học và hệ Liên thông vừa làm vừa học. Đây là hoạt động thiết thực để hưởng ứng chủ trương gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giáo dục và đào tạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cũng như chào mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tại buổi báo cáo thực tế, Đại tá Phạm Văn Chình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm lý học trong thực tiễn công tác của lực lượng Công an nhân dân. Nội dung báo cáo được chia làm 03 phần, bao gồm: một số nội dung cơ bản về tâm lý tội phạm và tâm lý của cán bộ điều tra trong đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy; vận dụng kiến thức tâm lý vào phương pháp, chiến thuật điều tra tội phạm về ma túy; tổng kết một số kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy. 

Qua phần trình bày về tâm lý các đối tượng phạm tội, đồng chí Phạm Văn Chình đã làm nổi bật một số nét tâm lý thường thấy ở đối tượng phạm tội như mưu mô, xảo quyệt, tâm lý chống đối, tìm cách tiêu hủy chứng cứ, không nhận tội, mong muốn chạy án, sợ tội nặng, sợ liên lụy người thân, sợ bị tiết lộ bí mật đời tư, tâm lý tiêu cực dẫn đến hành vi tự sát. Đối với các đối tượng phạm tội về ma túy, một đặc điểm cũng rất đặc trưng đó là tính chất lưu manh, côn đồ, hung hãn. Theo đồng chí báo cáo viên, cán bộ, chiến sĩ khi làm việc, tiếp xúc với các đối tượng phạm tội cần phân loại đối tượng một cách rõ ràng: đối tượng chủ mưu cầm đầu phải kiên quyết đấu tranh; đối tượng bị mua chuộc, lôi kéo, bột phát nên động viên, thuyết phục. 

Đối với cán bộ điều tra, đồng chí Phạm Văn Chình cho rằng tâm lý tích cực là rất cần thiết. Đó là lập trường, tư tưởng vững vàng, là lòng yêu Ngành, yêu nghề và tâm huyết với công việc; kiên quyết, không khoan nhượng với những điều sai trái; không tiêu cực, không cực đoan; tỉ mỉ, khách quan. 

Đại tá Phạm Văn Chình chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể giảng viên Khoa Tâm lý

Đại tá Phạm Văn Chình chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể giảng viên Khoa Tâm lý

Với nhiều năm kinh nghiệm trong thực tiễn chiến đấu cũng như trong lãnh đạo, quản lý, đồng chí Phạm Văn Chình đã chia sẻ những bài học rất quý báu cho học viên Học viện, bao quát từ công tác tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm, công tác trinh sát đến công tác điều tra tố tụng. Nhiều ví dụ về các vụ án được nhắc đến, điển hình là vụ án liên quan đến Tráng A Tàng, từ đó, báo cáo viên chỉ ra những khó khăn mà cán bộ chiến sĩ đã gặp phải cũng như cách thức xử lý trong từng trường hợp cụ thể. Điều này rất thu hút sự quan tâm, chú ý của cán bộ, giảng viên và học viên có mặt trong hội trường.  

Bằng tâm huyết và kinh nghiệm của một vị lãnh đạo nhiều năm công tác trong Ngành, đồng chí Phạm Văn Chình đã cung cấp cho giảng viên và học viên nhiều kiến thức nghiệp vụ và kiến thức tâm lý, đồng thời truyền tải những thông điệp ý nghĩa, sâu sắc động viên cán bộ, giảng viên, học viên tích cực rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh hiện nay. 

Kết thúc buổi báo cáo, lãnh đạo Khoa Tâm lý gửi lời cảm ơn chân thành tới Đại tá Phạm Văn Chình, đồng thời mong muốn tiếp tục tổ chức được những buổi báo cáo thú vị, thiết thực cho học viên như lần này. Buổi báo cáo nhận được sự đánh giá cao từ phía toàn thể giảng viên và học viên tham dự.