Tiêu điểm
Thứ Năm, 26/8/2021 15:45'(GMT+7)

Tại sao Israel - đất nước có tỉ lệ tiêm chủng rất cao - lại đang đối mặt với sự gia tăng đột biến các ca COVID mới?

1. Miễn dịch có được do tiêm vắc-xin giảm đi cùng với thời gian

Israel đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin cho trên 50% dân số trước ngày 25/3. Số lượng các ca nhiễm bệnh giảm, các địa điểm công cộng mở cửa trở lại. Thủ tướng Israel khuyến khích người dân ra ngoài vui chơi. Đến tháng 6, tất cả các lệnh hạn chế, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang khi ở trong các không gian kín, đều được dỡ bỏ.

Nhưng Israel đã phải trả giá cho việc vội vã xóa bỏ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các quan chức ngành y tế và sau đó là hãng dược phẩm Pfizer cho biết số liệu của họ cho thấy sự suy giảm khả năng bảo vệ của vắc-xin sau khi tiêm chủng khoảng 6 tháng.

2. Biến chủng Delta chọc thủng hàng rào bảo vệ ngày càng suy yếu của vắc-xin

Đây thực sự là một “cơn bão” nguy hiểm: Biến thể Delta với sức lây nhiễm khủng khiếp xuất hiện cùng lúc với sự suy giảm khả năng bảo vệ của vắc-xin tại Israel vào mùa hè năm nay. Biến chủng này được ghi nhận gây ra gần như tất cả số ca nhiễm mới của Israel hiện nay.

“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là đã có quá nhiều người đi du lịch nước ngoài vào mùa hè và chính họ đã đưa biến chủng Delta vào Israel một cách nhanh chóng”, ông Siegal Sadetzki, Cựu Giám đốc Bộ phận sức khỏe cộng đồng thuộc Bộ Y tế Israel cho biết.

3. Tiêm vắc-xin giúp giảm khả năng bị biến chứng nặng khi bị nhiễm virus

Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, trong số các ca bệnh được ghi nhận, ở độ tuổi trên 60, tỉ lệ các bệnh nhân nặng trong số những người chưa tiêm vắc-xin cao gấp 9 lần so với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Tỉ lệ các ca bệnh nặng ở những người dưới 60 tuổi chưa tiêm vắc-xin cũng cao gấp hơn 2 lần so với những người đã tiêm vắc-xin ở cùng độ tuổi.

Tuy nhiên, theo các bác sỹ, điều đáng buồn là một nửa trong số các ca bệnh nặng tại Israel hiện đang được điều trị tại các bệnh viện đều đã được tiêm chủng đầy đủ cách đây ít nhất 5 tháng. Phần lớn các bệnh nhân đó đều trên 60 tuổi và có bệnh nền. Những bệnh nhân nặng chưa được tiêm vắc-xin hầu hết đều trẻ tuổi, khỏe mạnh và có tình trạng bệnh diễn biến xấu nhanh chóng.

Số các ca nhiễm mới bình quân một ngày ở Israel hiện nay gần gấp đôi số ca nhiễm mới cách đây 2 tuần và đã tăng 10 lần so với giữa tháng 7, gần bằng số ca nhiễm tại đỉnh dịch của Israel vào mùa đông trước. Các ca tử vong tăng từ 5 ca trong tháng 6 lên 248 ca tính đến ngày 20/8. Các quan chức y tế cho biết hiện tại có 600 ca bệnh nặng đang điều trị tại các bệnh viện và họ cảnh báo rằng họ không thể điều trị quá 1000 ca bệnh nặng cùng một thời điểm.

4. Tỉ lệ tiêm vắc-xin ở Israel chưa thực sự đủ cao

Israel đã bỏ xa các nước khác về tỉ lệ tiêm vắc-xin. 78% số công dân trên 12 tuổi đủ điều kiện tiêm vắc-xin của họ đã được tiêm đầy đủ. Tuy nhiên, Israel là đất nước có dân số trẻ với rất nhiều công dân dưới độ tuổi được tiêm chủng. Thêm vào đó, khoảng 1,1 triệu người đủ điều kiện tiêm chủng đã từ chối tiêm.

Điều đó có nghĩa là chỉ 58% người dân Israel được tiêm chủng đầy đủ. Các chuyên gia nhận định rằng tỉ lệ đó chưa đủ để có hiệu quả phòng chống dịch bệnh cao. “Một bộ phận lớn người dân đất nước chúng tôi đang phải trả giá cho việc từ chối tiêm chủng của số ít người dân,” ông Eran Segal đến từ Viện Khoa học Weizmann cho biết. Ông cũng là người đã tư vấn cho Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Những người chưa tiêm vắc-xin đã góp phần tạo ra sự lây lan nhanh chóng của virus trong khi Chính phủ vẫn mở cửa để phát triển kinh tế trong những tháng gần đây với rất ít các biện pháp hạn chế nghiêm khắc. “Điều này sẽ dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh trên diện rộng và đó chính xác là những điều chúng ra đang thấy,” ông Segal nói.

5. Vắc-xin chính là chìa khóa nhưng cần kết hợp thêm nhiều yếu tố khác

Israel đang cố gắng làm giảm làn sóng lây nhiễm mà không phải đưa ra lệnh phong tỏa mới. Thủ tướng Israel Naftali Bennet cho biết, lệnh phong tỏa sẽ gây thiệt hại vô cùng to lớn đối với nền kinh tế và sẽ “hủy hoại tương lai của đất nước”. Israel đang giới hạn số người được tụ tập, tăng số lượng nhân viên y tế và khuyến khích người dân đi tiêm vắc-xin để đạt được miễn dịch.

Ngay sát Israel, tỉ lệ tiêm vắc-xin ở Bờ Tây và Dải Gaza thấp hơn nhiều. Chỉ có khoảng 8% dân số Palestine đã được tiêm chủng đầy đủ. Người Palestine hoài nghi về một số loại vắc-xin đang được cung cấp với số lượng lớn như vắc-xin của AstraZeneca. Trong khi đó, chỉ một số lượng nhỏ vắc-xin Pfizer-BioNTech được cung cấp cho Palestine. Tuy nhiên, người Palestine không phải nguồn lây bệnh cho người Israel. Chỉ những người Palestine đã được tiêm chủng đầy đủ mới được phép vào Israel và các khu đất của người Israel.

Nhận xét về tỉ lệ tiêm chủng thấp ở khu vực Bờ Tây và Dải Gaza, ông Randa Aby Rabe, một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới làm việc trên lãnh thổ Palestine cho biết: “chúng tôi không thiếu vắc-xin. Nguyên nhân chính là sự do dự của người dân.”

6. Các mũi tiêm nhắc lại sẽ gia tăng khả năng bảo vệ của vắc-xin

Israel là quốc gia đầu tiên thực hiện chiến dịch mũi tiêm thứ 3 - mũi tiêm nhắc lại cho những người tiêm vắc-xin Pfizer trên phạm vi toàn quốc. Những nghiên cứu đầu tiên ở Israel cho thấy mũi tiêm thứ 3 tăng đáng kể khả năng bảo vệ của vắc-xin trước virus corona chỉ một tuần sau khi tiêm.

Cơ quan chăm sóc sức khỏe Maccabi thuộc tổ chức bảo vệ sức khỏe Israel đã thực hiện nghiên cứu với 149.144 người Israel được tiêm chủng mũi vắc-xin Pfizer thứ 3. Kết quả cho thấy, với những người Israel trên 60 tuổi, mũi tiêm thứ 3 giảm 86% nguy cơ mắc bệnh và giảm 92% nguy cơ bệnh diễn biến nặng.

Những số liệu này đưa đến kết quả giống với những nghiên cứu do các nhà sản xuất vắc-xin Pfizer và Moderna thực hiện và ít nhiều chứng minh tác dụng của mũi tiêm nhắc lại trong thực tế phòng chống dịch bệnh.

Sau khi xem xét số liệu gia tăng đột biến các ca nhiễm bệnh mới ở Israel, Mỹ đã thông báo thực hiện chiến dịch mũi tiêm nhắc lại bắt đầu vào cuối tháng 9 cho tất cả người dân tiêm mũi thứ 2 cách thời điểm tiêm nhắc lại đủ 8 tháng. Anh cũng tuyên bố sẽ sớm tiến hành tiêm mũi thứ 3. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra phương án tiêm vắc-xin Pfizer cho những người đã tiêm vắc-xin Sinovac phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đến những quốc gia không công nhận vắc-xin này.

Israel đã giảm độ tuổi tiêm mũi nhắc lại xuống 40. Ông Anat Ekka Zohar làm việc cho Cơ quan chăm sóc sức khỏe Maccabi cho biết: “mũi tiêm thứ 3 là giải pháp để ngăn chặn sự bùng phát các ca lây nhiễm hiện nay.”

Các mũi tiêm nhắc lại vẫn chưa được thực hiện ở Palestine. Về phía mình, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các quốc gia ngừng tiêm các mũi tiêm nhắc lại để giúp các quốc gia nghèo có thể tiếp cận được vắc-xin phòng COVID-19.

“Israel rất tôn trọng Tổ chức Y tế thế giới nhưng sẽ hành động dựa trên những cân nhắc từ tình hình thực tế của đất nước và lợi ích của người dân Israel. Chúng tôi đã giúp cho thế giới rất nhiều,” một quan chức y tế giấu tên của Israel đã nói với NPR. “Nếu Liên hiệp quốc không đảm bảo đủ vắc-xin cho các nước Chad, Mali, Myanmar và Guatemala, điều đó không có nghĩa là Israel không tìm cách để ngăn chặn đại dịch tại đất nước mình”.

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu các quốc gia không tiêm vắc-xin cho người dân, các biến chủng mới sẽ phát triển và đe dọa cả các quốc gia đã tiêm vắc-xin đầy đủ.

Câu hỏi đặt ra: Liệu chúng ta có cần tiêm vắc-xin COVID-19 vài tháng một lần không? Tính đến nay, chúng ta chưa có đủ dữ liệu để trả lời câu hỏi này.

Tổ hợp rạp chiếu phim Cinema City ở Jerusalem tràn ngập trẻ nhỏ và các bậc phụ huynh nhưng các bậc thang dẫn đến quầy bán vé lại là các điểm tiêm vắc-xin. Nhiều người dân lớn tuổi đợi tới lượt để được tiêm mũi tiêm nhắc lại.

Hơn 1 triệu người Israel đã được tiêm mũi tiêm Pfizer thứ 3 trong vài tuần trở lại đây. Và họ đang được cả thế giới theo dõi do Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm mũi tiêm Pfizer nhắc lại trên diện rộng.

Ngồi trong phòng tiêm cùng với em trai mình sau khi anh được tiêm mũi tiêm nhắc lại, cô Etti Ben Yaakov cho biết “Họ đang thử nghiệm trên chúng tôi. Những mũi tiêm đầu tiên cũng là như vậy. Do đó, tôi không cảm thấy đây là điều sai. Tôi nghĩ rằng đây là điều nên làm”.

Cô cho rằng cũng giống như virus cúm thông thường, việc tiêm vắc-xin phòng virus corona cũng sẽ được thực hiện hàng năm. “Chúng ta sẽ phải sống cùng virus corona”.

Một nhân viên y tế Israel tiêm liều thứ ba của vắc-xin Pfizer-BioNTech tại một trung tâm tiêm chủng ở Jerusalem. Israel là quốc gia đầu tiên phát động chiến dịch tăng cường quốc gia đối với vắc xin Pfizer.
            Menahem Kahana / AFP qua Getty Images

Nhân viên y tế Israel tiêm liều thứ ba của vắc-xin Pfizer-BioNTech tại một trung tâm tiêm chủng. Israel là quốc gia đầu tiên phát động chiến dịch tăng cường quốc gia đối với vắc xin Pfizer. Menahem Kahana / AFP qua Getty Images

Ido Hadari đến từ Cơ quan chăm sóc sức khỏe Maccabi - đơn vị thực hiện nghiên cứu đầu tiên về mũi tiêm thứ 3 cũng đặt câu hỏi liệu tiêm chủng vắc-xin phòng virus corona hàng năm có trở thành sự thật.

“Tôi chưa biết về bất cứ bệnh nào mà khiến chúng ta tiêm vắc-xin phòng bệnh 6 tháng 1 lần, và nói một cách thành thực, tôi không cho rằng người dân sẽ đi tiêm chủng 6 tháng một lần. Tuy nhiên bạn không thể đưa ra phỏng đoán nào với dịch bệnh này cả”.

Nguồn NPR.ORG

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất