Hoạt động của Học viện
Thứ Tư, 23/12/2020 16:26'(GMT+7)

"Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài thực hiện theo chức năng của Công an nhân dân"

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp; TS Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng, Vụ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; TS Nguyễn Chí Công, Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân Tối cao; đồng chí Lê Đức Hạnh, Vụ trưởng Vụ pháp luật và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao... cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng; đại diện Công an các đơn vị địa phương; đại diện Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp cùng các nhà khoa học và cán bộ thực tiễn có bài viết, tham luận tại Hội thảo.

Về phía Học viện có Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí nguyên là chuyên viên cao cấp Bộ Công an, chuyên viên cao cấp đang công tác tại Học viện cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Học viện.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại tại Hội thảo

Hiện nay, có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam nhập cảnh với các mục đích khác nhau, cơ bản hoạt động đúng mục đích nhập cảnh, chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam; có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước khác cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra tình trạng một số người nước ngoài vào Việt Nam với các danh nghĩa khác nhau nhằm mục đích hoạt động phạm tội. Hành vi phạm tội do người nước ngoài gây ra rất đa dạng như: Giết người, cướp tài sản, cướp giật, trộm cắp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép ma túy, buôn lậu, vận chuyển, mua bán tiền giả, lừa đảo rút tiền ngân hàng, kinh doanh hướng dẫn du lịch trái phép, mở cơ sở chữa bệnh trái phép, hoạt động môi giới hôn nhân trái pháp luật...); nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Bối cảnh tình hình trên đã đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Đánh giá cho thấy, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài thực hiện theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác giữ gìn an ninh, trật tự. Tuy nhiên, công tác này vẫn có những hạn chế, thiếu sót nhất định như: Công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, đấu tranh cũng như quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm. Thực tế trên đòi hỏi phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, không ngừng hoàn thiện lý luận nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Trước tình hình đó, Học viện đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức Hội thảo khoa học: “Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài thực hiện theo chức năng của Công an nhân dân”.

Dưới sự chủ trì của Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện, tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ý kiến tham luận của các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia, những cán bộ thực tiễn trong và ngoài ngành Công an tập trung đi sâu làm rõ một số nội dung trọng tâm sau:

Phân tích làm rõ những vấn đề pháp lý về khái niệm, đặc trưng tội phạm và vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài thực hiện; quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế trong vấn đề xử lý vi phạm; nguyên nhân, điều kiện của tội phạm do người nước ngoài thực hiện.

Nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác của người nước ngoài thực hiện trên các phương diện công tác của lực lượng Công an nhân dân và mối quan hệ của vấn đề này với những khía cạnh có liên quan như: Quan hệ phối hợp trong quá trình phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài thực hiện; quyền tiếp cận thông tin của người nước ngoài.

Phân tích làm sáng tỏ những vấn đề khác có liên quan đến phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài thực hiện như: Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự; thực tiễn xét xử người nước ngoài phạm tội và bài học kinh nghiệm; vấn đề nâng cao hiệu quả ký kết điều ước quốc tế quốc tế góp phần phòng, chống tội phạm do người nước ngoài thực hiện; công tác triển khai việc thực hiện các quy định pháp luật góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài thực hiện.

Phân tích làm sáng tỏ thực tiễn phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài thực hiện theo chức năng của các cơ quan có thẩm quyền như: Các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, lực lượng Biên phòng, lực lượng Hải quan. Nghiên cứu, đánh giá thực tiễn một số địa phương điển hình, có thực tiễn phong phú liên quan đến phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài thực hiện. Từ đó, rút ra những thuận lợi, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra đối với công tác Công an góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài thực hiện như: Đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, công tác nghiệp vụ cơ bản, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống tội phạm, áp dụng các hoạt động tố tụng hình sự và các biện pháp công tác có liên quan trong quá trình thực hiện...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận được đưa ra tại buổi làm việc. Từ kết quả của Hội thảo, Học viện sẽ tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công an để đánh giá đầy đủ, khách quan toàn diện, cụ thể hơn về tầm quan trọng, sự cần thiết tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật khác do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam nói riêng. Đồng thời, những ý kiến tham luận của các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn trong và ngoài ngành tại Hội thảo sẽ giúp Học viện có thêm những thông tin, tài liệu quý để phục vụ công tác giảng dạy cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.

P.V

Phản hồi