Hoạt động của Học viện
Thứ Ba, 20/4/2021 13:19'(GMT+7)

Phát động phong trào đọc sách với chủ đề “Sách - hành trang tri thức, khởi nguồn sáng tạo"

Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên - Phó Giám đốc Học viện tuyên bố phát động phong trào đọc sách trong Học viện CSND năm 2021

Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên - Phó Giám đốc Học viện tuyên bố phát động phong trào đọc sách trong Học viện CSND năm 2021

Tham dự buổi lễ còn có Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Tổng biên tập Tạp chí CAND, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử công an; đại diện Lãnh đạo Cục công tác Đảng và công tác Chính trị; đại diện các nhà sách Nhã Nam, nhà sách Dân Hiền, nhà sách ABCBook...; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên Học viện.

Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) và phong trào đọc sách với chủ đề “Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” do Bộ Công an phát động.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái và đại diện các nhà sách Nhã Nam, nhà sách Dân Hiền, nhà sách ADCBook trao tặng sách cho Học viện CSND

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái và đại diện các nhà sách Nhã Nam, Nhà sách Dân hiền, Nhà sách ADCBook trao tặng sách cho Học viện CSND

Phát biểu phát động phong trào, Đại tá PGS.TS Trần Quang Huyên - Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: “Sách có một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội, là tinh hoa tri thức của nhân loại, là di sản tinh thần của thế hệ này dành cho thế hệ khác. Đọc sách giúp chúng ta tích lũy kiến thức để học tập, nghiên cứu khoa học và có những trải nghiệm quý báu. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người rất ham đọc sách, báo và Người luôn coi trọng sách, báo. Người cũng đã căn dặn:“Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm Công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý, lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…”. Không chỉ là một người ham đọc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, tạo mọi điều kiện để quần chúng nhân dân tiếp cận và hưởng thụ món ăn tinh thần qua sách báo.”

Đồng chí Phó Giám đốc Học viện cũng khẳng định, việc tổ chức Lễ phát động phong trào đọc sách với chủ đề “Sách - hành trang tri thức, khởi nguồn sáng tạo” là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, giúp cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên trong Học viện đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người.

Việc tổ chức lễ phát động còn nhằm mục đích xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong Học viện, hướng tới một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ cũng như tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội nói chung và trong đời sống của mỗi cán bộ, chiến sĩ Học viện CSND nói riêng.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái trao đổi kinh nghiệm đọc sách với cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên Học viện CSND

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái trao đổi kinh nghiệm đọc sách với cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên Học viện 

Sau lễ phát động, cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên Học viện đã có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Tổng biên tập Tạp chí CAND, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái sinh năm 1961 tại Diễn Châu, Nghệ An với một tuổi thơ lam lũ và nặng tình quê hương. Đồng chí Nguyễn Hồng Thái từng là học sinh chuyên văn Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An, đã từng đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Có thể nói, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái là chiến sĩ cầm bút trên chiến trường con chữ và nếu coi sáng tác về hình tượng Người chiến sĩ Công an là cả một tổng phổ âm nhạc - hợp xướng có xu hướng khẳng định và ngợi ca, thì các đoản khúc mà Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái đang góp phần là những khúc ca bi tráng, có tự hào và có cả đau thương.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái có thể kể đến như: Quà tặng của thời gian khổ (truyện ngắn) in trên báo Người Hà Nội (1991); Đối mặt (tập truyện ngắn) NXB Công an nhân dân (2000), tái bản năm 2015; Đất nóng (tiểu thuyết) NXB Thanh niên (2005), tái bản năm 2006; Ngôi nhà bên triền sông (tập truyện ngắn) NXB Công an nhân dân (2010); Dưới những nếp nhà Công an (ký sự nhân vật) NXB Công an nhân dân (2014)...

Cán bộ, học viên Học viện CSND đặt câu hỏi giao lưu cùng Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái

Cán bộ, học viên Học viện giao lưu cùng Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái

Tại buổi giao lưu, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái không chỉ trao đổi một cách cởi mở với các cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên Học viện về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) mà còn chỉ ra hiện trạng đọc sách tại Việt Nam trên bản đồ thế giới. Qua đó, giúp cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên Học viện CSND nhìn nhận lại bản thân, tiếp thêm tinh thần ham mê học tập, tìm tòi, sáng tạo, nâng cao trình độ thông qua sách, báo, góp phần xây dựng phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong CAND thực sự có hiệu quả.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

PV