4.0
Thứ Hai, 11/12/2017 13:53'(GMT+7)

Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động thư viện trong các trường Công an nhân dân thời kỳ Cách mạng 4.0

Sơ đồ thể hiện Cách mạng 4.0

Sơ đồ thể hiện Cách mạng 4.0

Ngày nay, cuộc cách mạng 4.0 đã dẫn đến việc áp dụng Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) trong hoạt động thư viện là sự đòi hỏi tất yếu, với xu hướng này đặt ra cho nhà hoạch định chính sách về hoạt động thư viện cần phải có những hướng phát triển mới về định hướng, chính sách và quy định hoạt động của thư viện phù hợp với sự tiên tiến của nó; đặt ra cho cán bộ thư viện những đòi hỏi về trình độ, hiểu biết để vận hành và đưa vào hướng dẫn khai thác sử dụng cho người dùng tin tiếp cận tài liệu mà thư viện quản lý; đặt ra cho tài liệu nhiều hình thức xuất bản (như xuất bản truyền thống, xuất bản online..); đặt ra cho người sử dụng nhiều lựa chọn trong khai thác sử dụng các nguồn tin. Vậy đó là những cơ hội và thách thức cho nhà hoạch định chính sách - cán bộ thư viện - xuất bản - bạn đọc những kỹ năng và kiến thức nhất định để tổ chức, quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tin trong thời kỳ cách mạng 4.0 một cách hiệu quả.

Hoạt động thư viện tại Việt Nam nói chung và trong các trường Công an nhân dân (CAND) nói riêng vẫn đang từng bước xây dựng thư viện số, số hóa tài liệu. Song song với vấn đề đó cuộc cách mạng 4.0 lại đưa các thư viện vào một cách thức mới đó là làm thế nào để đưa cuộc cách mạng 4.0 vào sâu rộng trong hoạt động thư viện như: xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả thư viện điện tử; tạo lập mạng lưới thư viện điện tử tạo ra sự kết nối sâu rộng về hoạt động nghiệp vụ thư viện - tạo lập cơ sở dữ liệu số hóa dùng chung trong hệ thống các thư viện - sử dụng công nghệ vào hoạt động chia sẻ nguồn lực thông tin - tạo lập nguồn học liệu mở. Vậy có nên chăng cần phải nhìn nhận thực trạng hoạt động thư viện tại các trường trong CAND từ đó rút ra kinh nghiệm thúc đẩy các thư viện xây dựng và phát triển bắt kịp cách mạng 4.0 trong giai đoạn hiện nay.

1. KHÁI QUÁT VỀ CÁCH MẠNG 4.0

Khái niệm về cách mạng công nghệ 4.0 [7]

Theo Bách khoa toàn thư mở WikipediaCách mạng công nghệ 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không thực - ảo (cyber-physical system), Internet Vạn Vật và điện toán đám mây và điện toán nhận thức (cognitive computing).

Cách mạng 4.0 tạo ra những “nhà máy thông minh” (tiếng Anh: smart factory). Trong các nhà máy thông minh với cấu trúc kiểu mô - đun, hệ thống thực-ảo giám sát các quy trình thực tế, tạo ra một bản sao ảo của thế giới thực và đưa ra các quyết định phân tán. Qua Internet Vạn vật, các hệ thống thực-ảo giao tiếp và cộng tác với nhau và với con người trong thời gian thực, và với sự hỗ trợ của Internet Dịch vụ, dịch vụ nội hàm và dịch vụ xuyên tổ chức được cung cấp cho các bên tham gia chuỗi giá trị sử dụng.

  Những nguyên tắc thiết kế[7]

Có 4 nguyên tắc thiết kế trong công nghiệp 4.0. Những nguyên tắc này hỗ trợ những công ty trong việc định dạng và thực hiện những viễn cảnh của công nghiệp 4.0.

Khả năng tương tác: khả năng giao tiếp và kết nối của những cỗ máy, thiết bị, máy cảm biến và con người kết nối và giao tiếp với nhau qua mạng lưới vạn vật kết nối internet hoặc mạng lưới vạn người kết nối internet.

Minh bạch thông tin: khả năng của những hệ thống thông tin để tạo ra một phiên bản ảo của thế giới thực tế bằng việc làm giàu những mô hình nhà máy kỹ thuật số bằng dữ liệu cảm biến. Điều này yêu cầu sự tập hợp những dữ liệu cảm biến thô đến thông tin ngữ cảnh có giá trị cao hơn.

Công nghệ hỗ trợ: đầu tiên khả năng của những hệ thống hỗ trợ con người bằng việc tập hợp và hình dung thông tin một cách bao quát cho việc tạo những quyết định được thông báo rõ ràng và giải quyết những vấn đề khẩn cấp qua những ghi chú ngắn gọn. Thứ nhì, khả năng của những hệ thống không gian mạng - vật lý để hỗ trợ con người thực hiện những nhiệm vụ cái mà không dễ chịu, tốn quá nhiều sức lực hoặc không an toàn đối với con người.

2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN TRONG CÁC TRƯỜNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Theo báo cáo mới nhất về tình hình tổ chức, hoạt động của các Trung tâm Thư viện trong CAND do Cục Công tác Chính trị CAND tổng hợp về hoạt động thư viện đã chỉ ra thực tế của toàn bộ hoạt động thư viện của các học viện, nhà trường trong CAND đó là về Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đúng với tầm phát triển của các thư viện; nguồn nhân lực có chuyên ngành thư viện chiếm tỷ lệ không cao; việc áp dụng công nghệ thông tin và các chuẩn nghiệp vụ trong hoạt động thư viện còn thiếu và yếu. Thực tế này đang đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách về thư viện trong CAND cần có những quyết định và quyết sách phù hợp với tình hình thực tế thúc đẩy hoạt động thư viện để phát triển mạng lưới thư viện, hiện đại hóa công tác thư viện trong CAND bắt kịp xu thế phát triển của các thư viện trong nước và quốc tế.

2.1. Thực trạng cơ sở vật chất của các thư viện trong Công an nhân dân

Một thư viện phát triển tốt cần được đầu tư về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng mạng thông tin và đây có thể coi như một trong những điều kiện “cần” đặc biệt quan trọng trong chiến lược đồng bộ hóa các Trung tâm thư viện trong CAND. Cơ sở vật chất ở đây chính là: thiết bị, kho tầng, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, không gian phục vụ. Cơ sở hạ tầng mạng thông tin chính là: Hệ thống mạng LAN, WAN, INTRANET, INTERNET… Đây cũng là một khó khăn lớn mà các Trung tâm thư viện đang phải đối mặt. Chưa được quan tâm đúng mức, mức độ đầu tư chênh lệch quá lớn giữa các đơn vị, thiết bị và công nghệ chắp vá… là một thực trạng tồn tại ở các Trung tâm thư viện trong CAND hiện nay.

“Cũng theo số liệu báo cáo thống kê tổng diện tích của 15 Thư viện là: 5.328 m2 phòng đọc; 2576m2 phòng đọc đa phương tiện (trong đó riêng Học viện Cảnh sát nhân dân là 2000m2); 1000 máy tính trong đó có 373 máy tính kết nối nội bộ và 627 máy tính kết nối mạng internet.

Về trụ sở thư viện chỉ có khoảng 3 Trung tâm có tòa nhà thư viện riêng chiếm tỷ lệ 20 % trong tổng số 15 thư viện” [2].

Về cơ sở hạ tầng mạng: Theo báo cáo thống kê có 9 Trung tâm sử dụng phần mềm thư viện vào hoạt động thư viện, 6 Trung tâm chưa ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, Học viện Cảnh sát nhân dân có mạng Internet có khả năng kết nối với tốc độ cao; hệ thống máy chủ lớn có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ (web, ftp..) có hệ thống tường lửa để ngăn chặn các truy cập trái phép, một hệ thống lưu trữ dữ liệu hàng chục Terabyte và một số máy chủ cho các ứng dụng khác. Đối với hệ thống điều hành thư viện điện tử: thư viện sử dụng phần mềm Tulip do công ty Futurneri của Hàn Quốc cung cấp, đã đảm bảo những tính năng cần thiết cho một thư viện điện tử hiện đại như sự tích hợp hai hệ thống quản lý trên một phần mềm (đó là quản lý thư viện truyền thống và quản lý thư viện điện tử trên một phần mềm). Cũng theo khảo sát thư viện Học viện An ninh nhân dân sử dụng phần mềm ILIB, ngoài ra còn một số phần mềm hỗ trợ khác; Học viện Hậu cần kỹ thuật CAND hiện nay có hệ thống mạng khá ổn định, sử dụng phần mềm ILIB cho hoạt động thư viện. Hệ thống máy tính phục vụ cho việc tra cứu được bố trí đầy đủ tại các phòng đọc, phòng nghiệp vụ 4 máy, riêng phòng đọc điện tử 70 máy tính, như vậy đây là điều kiện cơ bản bước đầu đảm bảo việc hiện đại hóa hoạt động thư viện trong CAND.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số Trung tâm thư viện có áp dụng Công nghệ thông tin song hoạt động không hiệu quả dẫn đến việc xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) và phục vụ bạn đọc vẫn thực hiện chủ yếu là thủ công, nguồn nhân lực để vận hành hệ thống thư viện điện tử không đảm bảo dẫn đến sự bế tắc trong hoạt động và phát triển hệ thống thư viện vào phục vụ thực tế cho người dùng tin. Như vậy, với thực trạng trên các thư viện trong hệ thống cần sự đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ để đảm bảo các điều kiện phát triển của các thư viện và sự hội nhập, chia sẻ trong thời gian sắp tới.

Với thực tế trên, nhìn chung, thư viện trong CAND còn chưa được đầu tư thích hợp hoặc sự đầu tư chưa diễn ra đồng đều về cơ sở vật chất trang thiết bị, vốn sách báo lẫn phương thức hoạt động và phục vụ. Đầu tư ngân sách cho hoạt động thư viện còn ít, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao.

2.2. Thực trạng nguồn nhân lực tại các thư viện trong Công an nhân dân

Theo khảo sát, nguồn nhân lực thư viện tại các trường trong CAND hiện nay có những đặc điểm nổi bật sau: “Cơ cấu trẻ hơn; nguồn nhân lực ngày càng gia tăng về số lượng do quy mô đào tạo của các trường và mạng lưới ngày càng mở rộng. Tuy nhiên chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển thư viện. Thiếu hụt các chuyên gia đầu ngành. Trình độ ngoại ngữ, các kiến thức cơ bản về tin học, về quản lý và điều hành thư viện hiện đại còn yếu, do vậy hạn chế khả năng tiếp cận với công nghệ mới”[3].

“Con số báo cáo thống kê hiện nay cho biết, có 294 cán bộ thư viện làm việc tại 15 Trung tâm, Học viện, nhà trường CAND, trong đó:

+ 02 có trình độ tiến sĩ đạt tỷ lệ 0,7%;

+ 45 cán bộ có trình độ Thạc sĩ đạt tỷ lệ 15%;

+ 185 cán bộ có trình độ Đại học đạt tỷ lệ 62%;

+ 64 cán bộ có trình độ cao đẳng và trung học đạt tỷ lệ 22%.

- Về chuyên ngành đào tạo:

+ 19% cán bộ có trình độ đào tạo chuyên ngành thư viện (57 cán bộ);

+ 81% cán bộ có trình độ đào tạo chuyên ngành khác.” [2]

Với thực tế trên, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tham gia vào hệ thống là một nhu cầu cấp thiết cần được đặt ra đối với đội ngũ cán bộ thư viện đang hoạt động tại các Trung tâm thư viện trong các trường CAND. Cần đào tạo cán bộ thư viện là những chuyên gia trong lĩnh vực quản lý thông tin - tư liệu, quản lý tri thức với các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và trình độ tin học, ngoại ngữ đủ để đảm đương công việc. Cần phải khẳng định một điều: tính hiệu quả của hệ thống phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ tham gia vận hành nó.

Cùng với sự thay đổi rất rõ và sâu sắc chức năng của không gian thư viện, thì các hoạt động cụ thể mang tính chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ thư viện chuyên nghiệp cũng cần có những thay đổi thích hợp. Nếu như hiện nay, cán bộ thư viện chủ yếu là dành thời gian làm việc của mình trong việc xử lý thông tin đối với các loại tài liệu, giảm bớt các hoạt động liên quan tới việc mượn tài liệu, thì trong tương lai, cán bộ thư viện cần nâng cao về năng lực chuyên môn, được gắn bó với các giáo trình trực tuyến, gắn kết chặt chẽ với đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt phải có sự hiểu biết về các ngành nghề đào tạo để có những tư vấn phù hợp, với việc hình thành các nhóm chuyên gia. Vận hành hoạt động tại các không gian thư viện với chức năng mới trong việc hỗ trợ khai thác, quan tâm tới việc cung cấp các dịch vụ mới để phục vụ người dùng tin và sử dụng các thiết bị, công nghệ để phục vụ việc nghiên cứu, đào tạo, các công nghệ phục vụ cho sự phát triển của một nền khoa học được phát triển trong môi trường điện tử và các nguồn thông tin số.

2.3. Thực trạng về áp dụng các chuẩn nghiệp vụ thư viện trong Công an nhân dân

Dù cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ nhưng không có tiếng nói chung về mặt chuyên môn (như: Quy trình bổ sung, biên mục, các chuẩn kỹ thuật, chuẩn cấu trúc dữ liệu...) thì các cơ quan thư viện khó mà cùng nhau thiết lập một hệ thống thống nhất. “Theo số liệu báo cáo thống kê hiện nay có 09 đơn vị áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế vào hoạt động xử lý tài liệu để xây dựng CSDL thư viện (chiếm tỷ lệ 60%)” [2]. Tuy nhiên, việc áp dụng này mới chỉ là bước đầu nên hiệu quả áp dụng chưa đạt được kết quả cao.

Đây cũng chính là vấn đề khá phức tạp hiện nay và là trở lực đáng kể trong tiến trình kết hợp các Trung tâm thư viện trong CAND nói riêng và Thư viện tại Việt Nam nói chung. Bởi lẽ, từ lâu chúng ta đã chưa có một sự chỉ đạo tập trung và thống nhất về mặt chuyên môn. Quá trình thống nhất các chuẩn này chắc chắn sẽ chiếm một lượng thời gian đáng kể. Tuy nhiên, đây lại là công việc hết sức quan trọng và cần thiết.

3. CÁC THƯ VIỆN TRONG CÁC TRƯỜNG CÔNG AN NHÂN DÂN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ TIẾP CẬN CÁCH MẠNG 4.0

Đứng trước một vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động cung cấp thông tin của thư viện, những nhà hoạt động thư viện cần phải nhìn nhận thực tế hoạt động của thư viện trong các trường CAND, từ đó kiểm định lại những điều kiện các thư viện đang có từ đó có lộ trình xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển theo xu thế của các thư viện trong nước và trên thế giới.

Hiện nay, để thư viện có đủ điều kiện tiếp cận cách mạng 4.0 cần có sự đảm bảo về cơ sở vật chất kỹ thuật, do vậy cần có sự hoạch định chính sách về tài chính, kế hoạch đầu tư để lập kế hoạch tài chính giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mua bản quyền… cần có văn bản quy định và làm rõ vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ của từng loại hình tài liệu được tổ chức xây dựng tại các thư viện. Khi giải quyết được vấn đề này thì các thư viện sẽ có cơ chế cụ thể để quy định quyền khai thác tài liệu, quyền chia sẻ tài liệu, quyền dùng chung tài liệu, xây dựng nguồn học liệu mở của cơ quan thư viện mình khi đó người cung cấp, người sử dụng không vi phạm pháp luật trong thời kỳ 4.0. Đối với điều kiện về cách thức tổ chức hoạt động, hành lang pháp lý để khai thác sử dụng các thư viện trong CAND cần đi theo sự định hướng và hoạch định chính sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cụ thể là Vụ thư viện), cũng như của Bộ Công an (X15) để đưa ra lộ trình phát triển chung cho các thư viện trong các trường CAND.

Cách mạng 4.0 cần phải được thực hiện đồng bộ để tránh việc lặp lại của hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu số của các thư viện đó là các thư viện tự số hóa dẫn đến số hóa trùng lặp gây lãng phí nguồn nhân lực và chi phí cho hoạt động số hóa. Chính sách số hóa của mỗi thư viện khác nhau; vấn đề bản quyền trong hoạt động số hóa không được tiến hành rõ ràng do vậy đến nay việc số hóa của các thư viện trong CAND nói riêng và tại Việt Nam nói chung vẫn mạnh ai nấy làm, chồng chéo và lãng phí tài nguyên học liệu và chi phí cho các hoạt động số hóa.

Do vậy, để áp dụng cách mạng 4.0 trong hoạt động thông tin thư viện tại các trường CAND cần các cơ quan có thẩm quyền phải xác định cách thức tiến hành áp dụng cách mạng 4.0 cho từng đối tượng thư viện, quy trình xây dựng; loại hình tài liệu; giấy phép cho học liệu mở; các điều kiện cần và đủ để tiến hành áp dụng và xây dựng công nghệ 4.0 để các thư viện xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp cho từng loại hình thư viện trong hệ thống các trường CAND.

Để thực hiện chức năng đó cần cơ quan có thẩm quyền tiến hành khảo sát để phân nhóm các trường có khả năng thực hiện cách mạng 4.0, lựa chọn đơn vị làm cơ quan đầu mối tiến hành tập trung đầu tư xây dựng từ đó tạo lập tài liệu số, nguồn học liệu mở thực hiện chia sẻ dùng chung cho hệ thống các thư viện trong cùng chuyên ngành đào tạo. Đối với các cơ quan thư viện chưa có đủ điều kiện để tham gia cách mạng 4.0 cần xây dựng lộ trình để tiến hành áp dụng công nghệ cho cơ quan mình, đồng thời tiến hành sử dụng lợi ích từ nguồn học liệu của các cơ quan thư viện khác đã áp dụng cách mạng 4.0 để dùng chung nguồn học liệu mở phù hợp với chương trình đào tạo của đơn vị công tác. Áp dụng cách mạng 4.0 không phải là vấn đề đơn lẻ của từng trường đại học trong CAND, khi phân nhóm các thư viện thì cần xây dựng chính sách phù hợp cho các thư viện trong việc sử dụng công nghệ 4.0 vào xây dựng và phát triển hoạt động thông tin thư viện. Có như vậy, cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công an mới xác lập được chiến lược chung cho các thư viện tiến tới thực hiện cách mạng 4.0 trong toàn bộ hệ thống thư viện trong các trường CAND.

Từ đó, đưa ra các bước cụ thể về hoạt động thư viện để khuyến cáo cho các thư viện khi áp dụng công nghệ 4.0 cần chuẩn bị các điều kiện:

- “Hạ tầng cơ sở kỹ thuật (hệ thống máy chủ, máy số hóa, hệ thống an ninh, an toàn dữ liệu, hệ thống lưu trữ dữ liệu điện tử, hệ thống mạng tốc độ cao…);”[5]

- Hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu thư viện điện tử tích hợp mãnh mẽ có khả năng quản lý và phân phối các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện đa dạng của thư viện, có khả năng tích hợp với các trang thiết bị điện tử hiện đại, có khả năng phân quyền người sử dụng…

- Có chính sách tạo lập kho tài nguyên số (sách điện tử, bài giảng và giáo trình án điện tử, luận văn, luận án, đề tài khoa học điện tử…);

- Xây dựng các liên kết tạo khả năng truy cập đến các nguồn học liệu mở;

- Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ giải quyết một vấn đề luôn đặt ra với cách mạng công nghệ - thế giới số trong hoạt động thư viện điện tử là vấn đề bản quyền. Bản quyền là cách làm truyền thống để bảo vệ quyền sở hữu thông tin và sự kiểm soát với họ để phổ biến thông và dẫn đến sự thu phí sử dụng/truy cập. Đây là lý do dẫn đến sự tăng trưởng của công nghiệp xuất bản như chúng ta thấy ngày nay”[5]. Bởi Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất.Nó bao gồm các Hệ thống Thực - Ảo (Cyber - Physical Systems - CPS), Mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of Things - IoT) và điện toán đám mây (Cloud Computing). Trong đó, mỗi công dân có thể trở thành một doanh nghiệp số. Mọi doanh nghiệp đều trở thành doanh nghiệp số. Mọi lãnh đạo trở thành lãnh đạo số. Mọi chính phủ trở thành chính phủ số và hoạt động thư viện cũng trở thành thư viện số.

“Công nghệ đang thay đổi nhanh chóng. Bạn cần phải hiểu về công nghệ, trân trọng, đề cao, thậm chí tôn sùng công nghệ. Khi bạn tin, công nghệ sẽ trở nên rất hiệu quả, mang lại sự sáng tạo và có thể thay đổi thế giới.” - trích dẫn lời của Jack Ma trong video clip “FPT và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

4. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT THỰC HIỆN CÁCH MẠNG 4.0 TẠI CÁC THƯ VIỆN TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN THỜI GIAN TỚI

Đã đến lúc hoạt động thư viện cần tính đến một chiến lược hoạt động có chiều sâu và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đưa cách mạng 4.0 vào hoạt động thư viện để tạo nên những chuẩn hóa, hiện đại hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thư viện tạo nên CSDL tập chung, phục vụ nhu cầu thông tin khoa học, nguồn học liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là yêu cầu cấp thiết cần được nghiên cứu triển khai với những bước đi vững chắc. Các thư viện trong CAND cần có được một phương thức và mô hình hoàn chỉnh về liên thông, trao đổi thông tin. Trên cơ sở đó tạo nên một hệ thống thư viện phát triển bền vững, cần được sự quan tâm chỉ đạo của các Cơ quan các cấp có thẩm quyền thực hiện các chỉ đạo như:

- Bộ Công an cần ban hành Quy chế hoạt động thống nhất của Trung tâm thư viện trong các học viện, nhà trường CAND. Trong đó việc tiêu chuẩn hoá thư viện (về công nghệ, cơ sở vật chất, cán bộ, kỹ thuật… ở từng loại hình, hạng thư viện), đặc biệt là sự liên thông để khai thác nguồn lực thông tin giữa các thư viện là mục tiêu yêu cầu của thư viện hiện đại cần được thực hiện.

- Bộ Công an cần hoạch định chiến lược phát triển các Trung tâm thư viện trong CAND với các chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn với mục tiêu đồng bộ hóa về công nghệ các thư viện trong CAND theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa hướng đến xây dựng thư viện theo tinh thần nghị quyết số 33-NQ/TW; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009.

- Bộ Công an cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định chính sách phân bổ kinh phí cho hoạt động thư viện (trong đó có kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ, kinh phí mua trang thiết bị, kinh phí nâng cấp hạ tầng mạng và phần mềm thư viện,..) cho toàn lực lượng CAND do Bộ trưởng phê duyệt;

- Cần đầu tư kinh phí cho một số hạng mục như: Bộ Công an cần chỉ đạo các Học viện, nhà trường bố trí một tòa nhà riêng cho hoạt động thư viện; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang bị các trang thiết bị thư viện hiện đại; đầu tư áp dụng mạnh mẽ CNTT&TT và mạng thông tin toàn cầu Internet tạo điều kiện để các thư viện phát triển thư viện điện tử/ thư viện số. Các thư viện cần đầu tư hạ tầng CNTT, tăng cường khả năng trao đổi, hợp tác quản lý và khai thác sử dụng thông tin trong môi trường mạng, thực hiện sự phối hợp, chia sẽ nguồn lực thông tin; đối với hệ thống điều hành thư viện điện tử đầu tư hệ điều hành đảm đủ các điều kiện phục vụ cho việc xây dựng và phát triển thư viện điện tử. Mỗi phần mềm có ưu, nhược điểm riêng nhưng thông thường các phần mềm phải đảm bảo có các module chính của thư viện (bổ sung, biên mục, quản lý kho, phục vụ bạn đọc, mục lục trực tuyến, phân hệ lưu hành, quản lý tài liệu điện tử, truy hồi và trình bày thông tin, mượn liên thư viện, quản trị hệ thống). Ngoài ra, để tổ chức cho thư viện điện tử cũng cần có: phần mềm hệ thống, hệ điều hành và hệ quản trị CSDL, phần mềm xuất bản điện tử, xuất bản CD/DVD.

- Bộ Công an sớm hình thành hệ thống quan điểm thống nhất xây dựng, phát triển thư viện trong Công an nhân dân; xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch và đề án phát triển thư viện cho lực lượng CAND; thống nhất các quy chuẩn nghiệp vụ áp dụng chung cho tất cả các Thư viện trong hệ thống các trường CAND như sử dụng chung các khổ mẫu dữ liệu thư mục, quy tắc biên mục, bảng phân loại, đề mục chủ đề, chuẩn trao đổi dữ liệu, phương thức trao đổi thông tin tại các Trung tâm thư viện trong lực lượng CAND. Cần xây dựng và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ thư viện dùng chung cho hệ thống các thư viện trong CAND đây là tiền đề để các thư viện thuận lợi trong hoạt động hợp tác, trao đổi và chia sẻ nguồn lực thông tin trong thời gian tới đây.

- Bộ Công an sớm thành lập liên hiệp thư viện trong CAND đảm nhiệm nhiệm vụ hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên, đồng thời cũng là để đảm bảo tính thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ cho toàn bộ hệ thống. Phối hợp hoạt động với các Liên hiệp thư viện trong cả nước tiến hành giao lưu trao đổi về mặt chuyên môn nghiệp vụ thư viện.

- Đối với cán bộ thư viện: Xây dựng các chương trình bồi dưỡng và đào tạo CNTT với mục đích trang bị kiến thức thông tin cơ bản: mạng máy tính & Internet, xây dựng các thông tin điện tử; bồi dưỡng các khóa ngoại ngữ nâng cao năng lực ngoại ngữ; bồi dưỡng các khoa học chuyên môn nghiệp vụ cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Không ngừng quan tâm phát triển đội ngũ người làm thư viện chuyên nghiệp theo hướng thích ứng với những điều kiện và đòi hỏi mới trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại các học viện, nhà trường theo hướng cán bộ thư viện chuyên trách; người cán bộ thư viện phải thực sự nỗ lực để trở thành những trợ giảng đắc lực cho giảng viên và là người định hướng cho sinh viên trong việc tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin, nhằm thực hiện mục tiêu cần đạt tới, đó là từ chỗ chỉ cung cấp thông tin một cách thụ động trước nhu cầu của NDT, chuyển sang việc bảo đảm cung cấp thông tin một cách chủ động đến NDT.

KẾT LUẬN

Phát triển công nghệ mạnh mẽ trong hoạt động thư viện là một quá trình hướng đến lâu dài mà trong những năm gần đây đã được các nhà quản lý về hoạt động thư viện trong CAND nhận thức rõ muốn sử dụng được tài nguyên thông tin của các cơ quan thư viện thế giới và ngược lại muốn chia sẻ nguồn lực thông tin của mình, các thư viện trong CAND nói riêng và Việt Nam nói chung phải bắt buộc tiến tới áp dụng công nghệ thông tin, các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của mình.

Như vậy, đưa cách mạng 4.0 vào chuẩn hóa, hiện đại hóa hoạt động thư viện trong lực lượng CAND là sự phát triển tất yếu mà các cấp lãnh đạo trong CAND cần phải nghĩ tới. Lợi ích của hoạt động này là vô cùng lớn và cần thiết, tạo ra tiếng nói chung giữa các đơn vị để cùng phát triển trong thời đại thông tin, tạo ra một lực lượng hùng hậu đáng kể để có thể tham gia vào các mối quan hệ trong và ngoài nước. Làm được điều đó, vị thế của cả một hệ thống thông tin - thư viện của lực lượng CAND chắc chắn sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều cá thể từng đơn vị hoạt động riêng lẻ. Đây cũng chính là lý do các các cơ quan thông tin - thư viện đại học ở một số nước cũng thường xây dựng các tiêu chuẩn dùng chung cho hệ thống thư viện của họ để nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác hiệu quả. Rõ ràng, để phát triển chính mình, các Trung tâm thư viện cần phải ứng dụng công nghệ 4.0 chuẩn hóa và hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động thư viện.

Danh mục tài liệu tham khảo

                                                                                          

1. Công văn số:1111/X15-P2, ngày 2/6/207, V/v tham gia góp ý kiến về dự thảo Hướng dẫn xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Trung tâm LT & TV, bộ phận TL - TV trong CAND;

2. Công văn số: 895/X15-P2, ngày 19/5/2017, V/v báo cáo tình hình tổ chức hoạt động; sự cần thiết và căn cứ ban hành Quy chế hoạt động của Trung tâm LT & TV, bộ phận TL - TV trong CAND;

3. Đỗ Thu Thơm (2016), “Chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các Trung tâm thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa trong các trường trong Công an nhân dân”, Học viện CSND, Đề tài khoa học cấp cơ sở, năm 2016, 76 tr;

4. Đỗ Thu Thơm (2014), Đề án phát triển thư viện nghiệp vụ Cảnh sát giai đoạn 2014 - 2020, Học viện CSND, năm 2014, 49 tr;

5. http://www.vusta.vn/vi/news/Trao-doi-Thao-luan/Chuan-hoa-trong-hoat-dong-thu-vien-hien-nay-59355.html

6. http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/ve-chuan-hoa-cong-tac-thu-vien-dai-hoc-o-viet-nam.html

7. https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p_4.0

Đại úy, ThS. Đỗ Thu Thơm
Phó Giám đốc Thư viện Công an nhân dân, X15, Bộ Công an

Trích kỷ yếu Hội thảo: “Cuộc cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân”

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất