Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Cùng với những hình ảnh ghi lại tình cảm tiếc thương của nhân dân khắp bốn phương, bản Di chúc của Người được công bố...
50 năm qua, qua bản Di chúc, mọi người dân đều cảm nhận được ở Bác luôn nồng cháy một tình yêu lớn và tinh thần trách nhiệm cao với đồng chí, đồng bào, toàn dân tộc, với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Bản Di chúc Bác để lại cho chúng ta
Bản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, chỉnh sửa và hoàn thiện trong suốt 4 năm (1965-1969), giữa bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt và đang trên đà thắng lợi. Trong những ngày tháng đó, dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn dành thời gian và tâm huyết để viết Di chúc.
Năm 1965, Bác đã cảm nhận được sức khỏe giảm sút so với những năm trước đó. Dự cảm về thời gian còn lại của cuộc đời mình, Người chủ động viết Di chúc, để lại tình thương yêu và những lời căn dặn tâm huyết cho Đảng, toàn dân và bạn bè gần xa.
9h sáng thứ hai, ngày 10-5-1965, tại nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc. Từ ngày 11 đến 14-5-1965, cũng vào giờ đó, Bác viết tiếp các phần còn lại. Đến ngày 15-5, bản Di chúc đầu tiên hoàn thành, dài gần 3 trang, do chính Bác đánh máy, có chữ ký của Bác và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn - lúc đó là Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trong 4 năm (1965-1969), Bác nhiều lần xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước. Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Ngày 19-5-1969, từ 9h đến 10h, Bác sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Người xem lại tài liệu và xếp vào phong bì cất đi.
Quá trình viết và sửa Di chúc đều tại nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch - nơi Bác đã sống và làm việc thời gian lâu nhất (từ ngày 19-5-1958 đến 17-8-1969). Theo đồng chí Nguyễn Văn Công, nguyên Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, những bút tích của Bác còn lưu lại trong các bản Di chúc cho thấy, đây là văn bản được Bác tập trung thời gian, suy nghĩ, chỉnh sửa nhiều nhất so với các văn bản bút tích của Bác để lại. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của Bác trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tương lai đất nước.
Trong quá trình viết và hoàn thiện, Bác không gọi là “Di chúc” mà chỉ giản dị gọi là “tài liệu”, là “thư”, là “mấy lời để lại”. Bác cũng không muốn cho nhiều người biết về sự chuẩn bị cho giờ phút đi xa, nên mở đầu bài viết năm 1965, Bác ghi rõ “Nhân dịp 75 tuổi” và ghi chú thêm hàng chữ “Tuyệt đối bí mật” bên lề trái.
Điều đó có nghĩa, tài liệu này sẽ chỉ được công bố khi Người “đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố và xuất bản cùng ngày tổ chức Lễ quốc tang của Người, 9-9-1969. Bản công bố chính thức chủ yếu dựa vào bản 1965, trong đó đoạn mở đầu lấy nguyên văn bản 1969. Đây là bản Di chúc gồm 4 trang in khổ 14,5x22cm, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn. Một số vấn đề trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như việc căn dặn của Người về hoả táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; miễn giảm thuế nông nghiệp... lúc đó chưa được công bố.
Đến ngày 19-8-1989, trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã ra Thông báo số 151-TB/TW “Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.
Căn cứ theo tài liệu công bố của Bộ Chính trị (trong tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 12), các bản thảo Di chúc được sắp xếp theo thứ tự thời gian Người viết, các bản bút tích được in trước, sau đó các bản đánh máy và bản in được in tiếp sau. Cuối cùng là bản Di chúc công bố chính thức năm 1969. Nét độc đáo của bản Di chúc là dù bút tích Bác ghi rõ "Tuyệt đối bí mật", nhưng đây lại là tài liệu được công bố rộng rãi nhất, được nhiều thế hệ học tập, noi theo.
Di chúc của Bác Hồ vừa là văn kiện của lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, vừa làtác phẩm nghệ thuật tầm cỡ của một nhà văn hoá lớn. Theo ông Đỗ Hoàng Linh – Phó Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Di chúc của Bác là “một áng văn tuyệt bút minh chứng cho lòng yêu nước, thương dân thiết tha, vô bờ bến, một trí tuệ mẫn tiệp, nghị lực kiên cường, tinh thần lạc quan và lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, một tấm gương đạo đức ngời sáng và tình đoàn kết quốc tế nồng nhiệt, chân thành”.
Giữ gìn bảo vật quốc gia
Di chúc của Bác là một tài liệu có ý nghĩa to lớn, là di sản văn hóa vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta; đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012 tại Quyết định số 1462/QĐ-TTg, ngày 1-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Đinh Hữu Long, Phó Cục trưởng Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng, ngày 4-3-1987, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển cho Vụ Lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng (nay là Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng) tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản theo Quyết định số 65-QĐ/TW ngày 2-1-1986 của Ban Bí thư. Bản Di chúc hiện đang được Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản theo chế độ đặc biệt.
Hiện trạng bản Di chúc của Bác được viết trên giấy, gồm 8 tờ. Trong đó bản viết ngày 15-5-1965 có 3 tờ kích thước 21x27cm, được đánh máy chữ mực xanh (đánh máy một mặt) trên giấy thường, có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh phía cuối trang 3, bên cạnh chữ ký của Bác Hồ là chữ ký của người làm chứng là đồng chí Lê Duẩn. Bản viết tháng 5-1968 có 4 tờ, trong đó có 3 tờ kích thước 18,5x26cm, 1 tờ kích thước 18,5x24cm. 4 tời này được viết bằng mực xanh, 2 tờ viết hai mặt, 2 tờ viết một mặt. Xen kẽ dòng viết mực xanh là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa. Bản viết ngày 10-5-1969 có 1 tờ, kích thước 20x30,5cm, được viết bằng mực xanh ở mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam ra ngày 3-5-1969. Xen kẽ dòng viết mực xanh là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa.
Bản Di chúc hiện nay đã bị ố vàng, một số dòng chữ hơi nhòe, chất lượng không tốt. Để hạn chế tối đa việc phục vụ bản gốc Di chúc làm ảnh hưởng đến tình trạng vật lý của tài liệu, ngày 14-9-2015, Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng đã có Công văn số 952-CV/CLT “Về việc đề nghị sao Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Được sự đồng ý của lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, bản Di chúc đã được sao thành 3 bản in màu, hiện đang được lưu giữ cùng với bản Di chúc gốc.
Từ năm 1989 đến nay, Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác phát huy giá trị của bản Di chúc qua các hình thức như: phục vụ nghiên cứu của Văn phòng Tổng Bí thư; phục vụ nghiên cứu tại phòng đọc của cán bộ nghiên cứu thuộc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, một số tỉnh ủy; Công bố bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Hồ Chí Minh: Toàn tập”, tập 15 (1966-1969) do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản vào năm 2011… Theo ông Đinh Hữu Long thì việc bảo quản và giữ gìn Di chúc của Bác là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề vì đây một trong số những bảo vật khó bảo quản nhất.
Bản Di chúc lịch sử Bác Hồ để lại còn gắn với nhiều kỷ vật thiêng liêng khác. Đó là ngôi nhà sàn, phòng làm việc tầng 2 của nhà sàn, bộ bàn ghế Bác vẫn thường ngồi làm việc và thảo Di chúc, chiếc giá sách trên đó Bác đã từng cất tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, chiếc máy chữ Bác đã dùng đánh văn bản và đánh Di chúc (bản năm 1965). Đó còn là những chiếc bút Bác đã dùng để viết, sửa chữa, bổ sung Di chúc, là chiếc phong bì Bác đựng tài liệu “Tuyệt đối bí mật”...
Tất cả đều là những di vật lịch sử, những vật chứng thiêng liêng chứng kiến những hoạt động cụ thể của Bác Hồ, gắn với suy nghĩ sâu sắc được Bác nghiền ngẫm, chắt lọc để rồi được hiện hữu thành di sản văn hoá cho muôn đời sau.