Tiêu điểm
Thứ Tư, 10/4/2019 10:0'(GMT+7)

Những điểm mới của Nghị định 22/2019/NĐ-CP về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND

1. Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong CAND

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an quy định tại Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 6-8-2018 của Chính phủ, để đảm bảo nguyên tắc xác định thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Luật Tố cáo năm 2018 và phù hợp với cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, Nghị định số 22/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong CAND đối với từng cấp, từ Trưởng Công an cấp xã đến Bộ trưởng Bộ Công an. Trong đó, một số điểm mới quan trọng của Nghị định số 22/2019/NĐ-CP như sau:

- Ngoài việc quy định rõ thẩm quyền theo từng cấp chức vụ trong CAND, Nghị định quy định thêm nguyên tắc xác định thẩm quyền trong các trường hợp các đơn vị có sự hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; các cán bộ, chiến sĩ đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, chiến sĩ Công an. Cụ thể:

+ Khoản 8 Điều 5 của Nghị định quy định: “Tố cáo cán bộ, chiến sĩ hoặc cơ quan, đơn vị cấp dưới của cơ quan, đơn vị đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đang quản lý cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị đó chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết.

 Tố cáo cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan, đơn vị trong CAND đã bị giải thể do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý cơ quan, đơn vị Công an trước khi bị giải thể giải quyết”.

+ Khoản 9 Điều 5 Nghị định quy định: Thẩm quyền giải quyết tố cáo cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ xảy ra trong thời gian trước đây nay đã chuyển cơ quan, đơn vị hoặc khô ng còn là cán bộ, chiến sĩ Công an theo nguyên tắc sau:

* Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ Công an đó công tác tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ Công an đang công tác phối hợp giải quyết;

* Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác và giữ chức vụ cao hơn thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đang quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an đó chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;

Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác và giữ chức vụ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đó thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ đang công tác chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đã quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;

* Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác mà không thuộc 3 trường hợp nêu trên thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đang quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo phối hợp giải quyết;

* Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, chiến sĩ Công an thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết;

- Quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với Trưởng phòng, thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Cục thuộc cơ quan Bộ.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định quy định như sau: “Giám thị trại giam, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng; Trưởng phòng, Thủ trưởng các đơn vị tương đương cấp phòng có con dấu riêng thuộc đơn vị cấp cục và tương đương thuộc cơ quan Bộ giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ từ Đội trưởng và tương đương trở xuống; giải quyết tố cáo đơn vị cấp đội hoặc tương đương cấp đội thuộc quyền quản lý trực tiếp”.

Quy định như trên phù hợp với thực tiễn cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an vì sau khi hợp nhất, chia tách, giải thể, có đơn vị cấp phòng thuộc cơ quan Bộ có quân số đông, nếu không quy định Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì Cục trưởng, thủ trưởng đơn vị tương đương cấp Cục sẽ quá tải trong việc giải quyết tố cáo.

- Quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ Công an biệt phái đến công tác tại cơ quan, tổ chức khác ngoài CAND.

Trước đây, Nghị định số 91/2013/NĐ-CP ngày 12-8-2013 không quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ Công an biệt phái dẫn đến khi tiếp nhận đơn tố cáo trong trường hợp này các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định thẩm quyền giải quyết. Để khắc phục thiếu sót này, Nghị định 22/2019/NĐ-CP đã quy định nội dung này để thực hiện. Cụ thể: Tại khoản 10 Điều 5 Nghị định quy định:

Thẩm quyền giải quyết tố cáo cán bộ Công an biệt phái đến công tác tại cơ quan, tổ chức khác ngoài CAND theo nguyên tắc sau:

+ Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong thời gian công tác trước khi biệt phái thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý trực tiếp tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật giải quyết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết;

+ Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức mới thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi cán bộ đó đang công tác giải quyết.

2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự

Ngoài việc quy định Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự thuộc phạm vi quản lý được giao, Nghị định sửa đổi, bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo cho cán bộ, chiến sĩ Công an không giữ chức vụ nhưng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể như sau:

Khoản 2 Điều 10 Nghị định quy định: “Cán bộ, chiến sĩ Công an không giữ chức vụ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ có thẩm quyền giải quyết đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự mà nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thuộc phạm vi quản lý được giao”.

Trước đây, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 91/2013/NĐ-CP ngày 12-8-2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong CAND có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định như vậy dẫn đến chống chéo thẩm quyền giải quyết tố cáo vì theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt hành chính bao gồm từ cán bộ, chiến sĩ không giữ chức vụ khi thi hành công vụ đến Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.

Do vậy, Nghị định số 22/2019/NĐ-CP chỉ quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong trường hợp nội dung tố cáo rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay.

3. Sửa đổi việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo

Trước đây, Nghị định số 91/2013/NĐ-CP ngày 12-8-2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc công khai kết luận nội dung tố cáo trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ chỉ bằng hình thức công bố tại cuộc họp cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, chiến sỹ đó công tác. Nghị định số 22/2019/NĐ-CP quy định đa dạng hơn về hình thức công khai, thể hiện sự minh bạch trong giải quyết tố cáo. Cụ thể: Điều 13 Nghị định quy định như sau:

“...Căn cứ tình hình thực tế, tính chất vụ việc, yêu cầu của việc giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính quyết định việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo bằng một hoặc một số hình thức được quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Tố cáo và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo. Việc công khai phải đảm bảo bí mật về thông tin người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật nhà nước”.

Khoản 2 Điều 40 Luật Tố cáo năm 2018 quy định các hình thức công khai như sau:

Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức sau đây:

- Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác;

- Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;

- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trên đây là một số nội dung mới của Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25-2-2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND. Để việc triển khai thực hiện được nghiêm chỉnh và đạt hiệu quả trong lực lượng CAND, cần tập trung, tăng cường phổ biến, quán triệt các quy định của Nghị định đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ CAND đặc biệt là lực lượng Thanh tra CAND các cấp.

 

Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất