Hoạt động của Học viện
Thứ Tư, 10/5/2017 15:11'(GMT+7)

Hội thảo khoa học “Đào tạo nhân lực phòng, chống ma túy - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ - Phó Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại Hội thảo

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ - Phó Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại Hội thảo

Tới dự và chủ trì Hội thảo có Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ - Phó Giám đốc Học viện CSND; Đại tá Phạm Văn Chình - Phó Cục trưởng Cục C47 Bộ Công an. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Viện Nghiên cứu tâm lý người nghiện ma túy; các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Cảnh sát, các đơn vị chức năng thuộc Học viện CSND và các phòng nghiệp vụ thuộc Công an các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về người nghiện ma túy 

Trong những năm vừa qua, Học viện CSND đã tích cực tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống ma túy cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và các lực lượng khác như: lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Kết quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phòng, chống ma túy hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm về ma túy diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng, chủng loại chất ma túy và đặc biệt tính chất hoạt động của tội phạm ngày một tinh vi và manh động hơn. Xu hướng tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoạt động có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp có phạm vị xuyên quốc gia, nhất là tại tuyến biên giới Tây Bắc, tội phạm là người Mông mang quốc tịch Lào đã cấu kết với người Mông mang quốc tịch Việt Nam hình thành từng toán từ 05 - 07 thậm chí đến hàng chục đối tượng, có vũ trang rất manh động sẵn sang nổ súng chống trả quyết liệt lực lượng thi hành pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, để đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách có hiệu quả, đòi hòi lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy cần được đào tạo một cách tinh nhuệ và thiện chiến hơn.

Xuất phát từ thực tế trên, Học viện CSND tổ chức Hội thảo khoa học nhằm đánh giá những vấn đề chung về đào tạo nguồn nhân lực phòng, chống ma túy cũng như thực tiễn kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực phòng, chống ma túy đặc biệt là kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Trên cơ sở đó kiến nghị những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực phòng, chống ma túy ở Việt Nam trong tình hình mới.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã nhận được hơn 60 báo cáo tham luận của X14, C47, C42 - Bộ Công an, PV11, PC47 - Công an các địa phương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Viện nghiên cứu tâm lý người nghiện ma túy, các bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà giáo đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường CAND, các chuyên gia, cán bộ đang trực tiếp tham gia công tác thực tiễn trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại các địa phương.

Các tham luận đã khẳng định, kể từ khi được thành lập vào năm 1997, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy luôn phấn đấu vươn lên, xứng đáng là lực lượng chủ công, nòng cốt, phối hợp chặt chẽ cùng các cấp, các ngành, các lực lượng và dựa vào quần chúng nhân dân vừa làm tốt công tác phòng ngừa, vừa chủ động tấn công tội phạm về ma túy. Kết quả 20 năm qua, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã phát hiện, triệt phá trên 161.000 chuyên án, bắt giữ trên 267.000 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ trên 2.960 kg heroin, hơn 4.500 kg thuốc phiện, hơn 33.000 kg cần sa, gần 1,5 triệu viên ma túy tổng hợp cùng nhiều loại vũ khí, tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng nộp Ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng cùng các lực lượng, các cấp, các Ngành và nhân dân đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, trên cơ sở khẳng định tính chất ngày càng phức tạp, manh động của tội phạm ma túy hiện nay và yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống ma túy, các đại biểu đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác giáo dục - đào tạo nhằm tiếp tục xây dựng lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tinh thông về nghiệp vụ, vững về pháp luật, giỏi về quân sự, võ thuật, đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.

Theo đó, Học viện CSND và các trường CAND cần nghiên cứu đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo đối với chuyên ngành Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy. Hệ thống giáo trình, giáo án cần cập nhật kịp thời những phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội mới, những phương pháp, chiến thuật đã được áp dụng hiệu quả trên thực tiễn. Bên cạnh việc trang bị lý thuyết chuyên sâu, cần phải coi trọng giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, tránh mọi cám dỗ vật chất từ hoạt động của tội phạm, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy để mỗi sỹ quan Cảnh sát ĐTTP về ma túy khi ra trường phải vừa hồng vừa chuyên, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Công tác đào tạo lý luận phải luôn gắn chặt với hoạt động thực tiễn đấu tranh với tội phạm ma túy, học đi đôi với hành. Tăng thời gian thực hành, thực tập cho học viên chuyên ngành tại các đơn vị địa phương và tập trung bố trí cho sinh viên được thực tập tại các cơ sở, địa bàn trọng điểm phức tạp về tội phạm ma túy. Tăng cường mời báo cáo viên tại các địa bàn “nóng” về ma túy như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn… báo cáo thực tế về thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy có tổ chức và có vũ trang để học viên chuyên ngành học hỏi, vận dụng tốt những kinh nghiệm thực tế sau khi ra trường.

Các ý kiến tham luận cũng nhấn mạnh vai trò của hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phòng, chống ma túy. Các Học viện, trường CAND cần tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm hay từ thực tiễn đấu tranh chống tội phạm ma túy của các đơn vị, địa phương và của Cảnh sát các nước phục vụ công tác giảng dạy tại nhà trường. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong khu vực trong việc trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy nhằm nâng cao trình độ, kinh nghiệm, năng lực điều tra, từng bước đáp ứng yêu cầu đấu tranh với tội phạm ma túy trong tình hình mới.

Kết quả của hội thảo là cơ sở để Học viện CSND nói riêng và các cơ sở đào tạo trong lực lượng CAND nói chung tham khảo, nghiên cứu và đưa ra các kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phòng, chống tội phạm về ma túy đáp ứng thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

PV

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất