Hoạt động của Học viện
Thứ Năm, 29/12/2016 21:36'(GMT+7)

Hội thảo khoa học “Công tác đăng ký, quản lý cư trú góp phần phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại Hội thảo

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại Hội thảo

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện CSND chủ trì Hội thảo. Tới dự Hội thảo còn có Đại tá Trần Quốc Sáng, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư; đại diện các Vụ, Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố; Phòng Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội Công an các địa phương; đại diện các học viện, trường CAND; các chuyên viên cao cấp, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện CSND.

Hiện nay, quy mô dân số của nước ta rất lớn và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê, trên cả nước có 22.677.500 hộ với 90.710.000 nhân khẩu phân bố không đồng đều giữa các khu vực, vùng địa lý kinh tế và các đơn vị hành chính. Trước thực tế đó, công tác đăng ký, quản lý cư trú luôn được xác định là một nội dung quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước về an ninh trật tự nhằm đảm bảo cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo pháp luật, phục vụ công tác quản lý xã hội của Nhà nước và công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, đất nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó tình hình tội phạm về tệ nạn xã hội ở nước ta còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi lực lượng Công an các cấp cần tăng cường công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý cư trú để nắm chắc từng hộ khẩu, nhân khẩu trên địa bàn quản lý, góp phần phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác.


Toàn cảnh Hội thảo

Nhận thức được tính cấp thiết trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của công tác đăng ký, quản lý cư trú trong tình hình mới, Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, làm rõ vai trò của công tác đăng ký, quản lý cư trú góp phần phòng, chống tội phạm; đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc của công tác đăng ký, quản lý cư trú hiện nay; đưa ra các dự báo có cơ sở khoa học về xu hướng phát sinh, phát triển của tình hình cư trú và công tác đăng ký, quản lý cư trú trong thời gian tới. Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả đăng ký, quản lý cư trú bảo đảm thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định: hoạt động quản lý nhà nước về cư trú thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý cư trú tương đối hoàn thiện, mang tính pháp lý cao như: Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Bộ Công an trong đó có Nghị định số 31/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, Thông tư số 35, 36, 61/2014 của Bộ Công an quy định về công tác đăng ký, quản lý cư trú… Đây là những hành lang pháp lý quan trọng, là cơ sở, điều kiện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú. Hoạt động quản lý cư trú đã cung cấp tình hình, số liệu, tài liệu về dân cư góp phần hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Kết quả quản lý nhà nước về cư trú đã hỗ trợ tích cực cho việc phát hiện và cung cấp tin, tài liệu phục vụ cho các lực lượng nghiệp vụ bắt đối tượng truy nã, trốn thi hành án, điều tra khám phá các vụ án về hình sự, kinh tế, ma túy, quản lý đối tượng…

Theo thống kê chưa đầy đủ của Công an địa phương, trong gần 10 năm thực hiện Luật Cư trú, Công an các địa phương đã: đăng ký thường trú cho trên 5 triệu hộ, trên 25 triệu nhân khẩu; đăng ký tạm trú cho gần 3,5 triệu hộ, trên 16 triệu nhân khẩu; tiếp nhận thông báo lưu trú trên 160 triệu lượt trường hợp; kiểm tra trên 45 triệu lượt, xử lý gần 280 nghìn trường hợp. Qua đó, cung cấp 90 nghìn tin, tài liệu phục vụ cho các lực lượng nghiệp vụ bắt hàng nghìn đối tượng truy nã, trốn thi hành án; cung cấp trên 200 nghìn tin phục vụ điều tra, phá án trên 40 nghìn vụ, bắt hàng trăm nghìn đối tượng về hình sự, kinh tế, ma túy; cung cấp trên 600 nghìn thông tin, tài liệu phục vụ công tác quản lý đối tượng; cung cấp 200 nghìn tin, tài liệu phục vụ công tác sưu tra, tiếp nhận đặc xá; cung cấp gần 250 nghìn thông tin, tài liệu phục vụ công tác lập hồ sơ, đưa đối tượng vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đăng ký, quản lý cư trú thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số quy định của Luật Cư trú không còn phù hợp với tình hình thực tế; công tác nắm tình hình, quản lý di biến động về nhân, hộ khẩu, quản lý đối tượng còn hạn chế; việc trao đổi thông tin nhân khẩu, hộ khẩu giữa các cấp, các đơn vị nghiệp vụ chưa thường xuyên, kịp thời; một bộ phận cán bộ làm công tác đăng ký, quản lý cư trú còn yếu về trình độ chuyên môn; điều kiện vật chất để thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú tại các cấp cơ sở còn thiếu thốn, lạc hậu; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế...


Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, làm rõ những bất cập trong đăng ký, quản lý cư trú hiện nay, các đại biểu đã đưa ra hệ thống giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả đăng ký, quản lý cư trú như:
- Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về cư trú để tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đăng ký, quản lý cư trú phục vụ yêu cầu nghiệp vụ trong phòng, chống tội phạm.
- Củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cư trú hiểu biết về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, có tư thế, lễ tiết tác phong, giao tiếp ứng xử đúng mực, nêu cao ý thức phục vụ, không gây phiền hà với nhân dân.
- Xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân và các cơ quan chức năng trong công tác đăng ký, quản lý cư trú.
- Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cư trú để nhân dân hiểu, chấp hành và hỗ trợ lực lượng Công an trong phòng, chống tội phạm.

- Quan tâm trang bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đăng ký, quản lý cư trú nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thu thập, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin về cư trú và dân cư, phục vụ cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đăng ký, quản lý cư trú.
- Đẩy mạnh quan hệ quốc tế trong quản lý cư trú, nghiên cứu, học hỏi, vận dụng kinh nghiệm, trình độ quản lý cư trú tiên tiến của Cảnh sát các quốc gia phát triển.

Những ý kiến đóng góp mang tính khoa học - thực tiễn cao của các chuyên gia đã khẳng định sự thành công của Hội thảo.Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống lý luận, từ đó vận dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác đăng ký, quản lý cư trú, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Như Mai

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất