4.0
Thứ Tư, 26/4/2017 12:30'(GMT+7)

Giáo dục đại học đối diện với cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật (IOT), khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng

Giáo dục trước thách thức cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

“McDonald’s công bố sẽ xây mới thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng robot. Thay vì quy mô 10 - 20 nhân viên một nhà hàng truyền thống như trước kia, nhà hàng theo khái niệm mới này sẽ chỉ cần 2 - 3 người để quản lý. Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay thế bằng robot. Ngân hàng Anh quốc đưa ra một dự báo còn đáng lo ngại hơn, sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10 - 20 năm tới riêng tại Mỹ và Anh - tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này”, TSKH. Phan Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói tại hội thảo quốc tế có chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục ” diễn ra tại Hà Nội cuối năm 2016.

Hầu như các ngành dịch vụ, nhân viên hành chính, bưu điện, du lịch, kiểm toán, y tế, kể cả phóng viên báo giấy, giao dịch ngân hàng, phiên dịch, các ngành công nghiệp quảng cáo sẽ mất việc. Ở Việt Nam, theo bà Nguyễn Thanh Huyền, Giám đốc Công ty may 10 nói: Hai ngành dệt và giày da, đa số sẽ thất nghiệp. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, hoạch định chiến lược và giải quyết xung đột thì máy không thể thay thế con người, các ngành có tính sáng tạo cao và đi sâu vào tâm lý con người thì sẽ trụ được. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp mà ngay cả những người có bằng cấp (cao đẳng, đại học trở lên) cũng có thể bị ảnh hưởng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra có thể làm giãn rộng khoảng cách này bởi chất xám sẽ ngày càng quan trọng hơn, lao động giản đơn không còn cần thiết nữa. Theo TS. Phạm Thị Ly, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh: “Điều này đặt ra đòi hỏi vô cùng to lớn với giáo dục đại học của chúng ta. Bởi việc chính của giáo dục đại học chính là tạo ra người tài”. Nếu tính tỷ lệ người vào đại học, cao đẳng trên tổng số dân ở độ tuổi 18 - 22 của Việt Nam mới 25%, còn rất thấp so với các nước (Hàn Quốc 97%, Úc 86%, Malaysia 37%,Trung Quốc 30%). 

Ngành giáo dục được các nhà khoa học xem là ngành tương đối an toàn cũng sẽ phải thay đổi nhiều. Song trước hết phải hướng vào nhóm ngành nghề có tính sáng tạo cao và người học có khả năng nhạy bén thích nghi với sự thay đổi.

Hệ thống học online ngày càng được thịnh hành, nó là khởi đầu cho việc thu thập big data đặc biệt quan trọng. Khi tích tụ được lượng data đủ lớn về cá nhân người học (thời lượng học, phương pháp, lộ trình đào tạo, mức độ tương tác, kết quả học tập…) trên cơ sở đó, thuật toán Machine Learning sẽ không khó đưa ra một phương pháp giáo dục tốt nhất cho từng học sinh với lộ trình tối ưu cá nhân hóa phương pháp học tập mà ngay cả giáo viên tốt nhất cũng không bằng được.

Như vậy, ngành giáo dục nếu dừng lại ở hiện tại sẽ trở nên lạc lỏng trong thế giới  cách mạng công nghiệp 4.0

Giáo dục đại học cần chuyển biến như thế nào?

Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục nhất là gíao dục đại  học và đào tạo nghề. 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống sẽ là kỹ năng lập trình. Người dân sẽ viết ra sản phẩm tùy biến phục vụ cho nhu cầu của họ và được hoàn thiện qua công nghệ trí thông minh nhân tạo. Chính vì vậy, Nhật Bản là nước đầu tiên đưa kỹ năng lập trình vào chương trình phổ cập giáo dục. Khi còn tại nhiệm, Tổng thống Mỹ Obama đã đưa vào tài khóa năm 2017 đến 4,1 tỷ đôla cho việc phổ cập tin học ở trường phổ thông, dạy kỹ năng lập trình, với hy vọng sẽ tác động đến sự phát triển của nền kinh tế Mỹ trong tương lai.

Cách mạng công nghệ 4.0 với những thay đổi chóng mặt của các thiết bị thông minh sẽ tạo ra những hình thức đào tạo trực tuyến. Những hình thức đào tạo này cho tới hiện tại chưa thay thế được mô hình đào tạo truyền thống song nó đang đặt ra những thách thức với đại học truyền thống. “Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện hình thức kết hợp giữa mô hình đại học truyền thống và phương thức đào tạo trực tuyến. Trước đây, học sinh học ở trường và về nhà để làm bài tập. Bây giờ ngược lại, kiến thức thầy giáo dạy, học trò học sẽ học ở nhà theo hình thức trực tuyến. Học sinh đến lớp chỉ để học cái mà ở nhà họ không học được”, TS. Phạm Thị Ly cho biết. 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục đại học, từ chỗ coi giáo dục đại học là hàng hóa công mà Chính phủ có bổn phận cung cấp cho người dân thì nay, người ta phải coi giáo dục đại học là sự đầu tư của cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo. Nền tảng của cuộc cách mạng này là điện, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ điện tử viễn thông. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng này thì nhu cầu nhân lực trình độ cao các ngành nghiên cứu sẽ tăng nên các trường đại học cần phải có sự chuẩn bị để dịch chuyển trong cơ cấu đào tạo và lĩnh vực nghiên cứu. Chính vì vậy, các chương trình cần có tính liên ngành, hướng tới đào tạo ngành rộng để sinh viên có kiến thức nền tảng để có thể thích ứng với nhiều công việc khác nhau chứ không phải đào tạo chuyên sâu như trước đây. Và các trường đại học phải hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo và nghiên cứu.

Giáo dục đại  học và đào tạo nghề nên ưu tiên nguồn lực để triển khai phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí.

Các trường cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nguồn nhân lực có chất lượng cao cho toàn xã hội, xây dựng thương hiệu riêng của nhà trường để thu hút người học.

Tại Đồng Nai, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai đã lựa chọn một số ngành nghề có tính chất cốt lõi, tập trung đầu tư vào những ngành này để nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu của nhà trường. Trường cũng đã xây dựng đề án phát triển tổng thể để tập trung đầu tư, cùng phối hợp đào tạo các chuyên ngành với các trường công nghệ trong cả nước và thế giới, mạnh dạn tiến tới cơ chế tự chủ hoàn toàn. 

***

Đúng như lời Mac nói: Lịch sử nhân loại là sự phát triển của công cụ sản xuất. Còn August Comte, nhà xã hội học Pháp cách đây cả trăm năm đã tiên đoán: Lịch sử loài người là sự phát triển của tri thức .

Dân tộc Việt Nam vốn là dân tộc thông minh, ham hiểu biết (hiếu học). Hiện nay 55% dân số đã sử dụng điện thoại thông minh và 44% đã nối mạng internet. Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ là cơ hội để thế hệ trẻ tạo nên sự đột biến của đất nước như lời mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ khi tiếp đoàn học sinh đoạt giải Olympic toán học quốc tế cuối năm 2016. 

TS. Bùi Quang Xuân

Nguồn: Báo Lao động Đồng Nai

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất