Hoạt động của Ngành
Thứ Ba, 22/10/2019 12:1'(GMT+7)

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Ủy ban Tư pháp tổ chức tọa đàm về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Ủy ban Tư pháp tổ chức tọa đàm về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Theo Dự thảo, Nghị định này quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều 158 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đối với pháp nhân thương mại chấp hành án và bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế. 

Đối tượng áp dụng là pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, Nghị định còn áp dụng với Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu (sau đây gọi là Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền), cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế.

* Điều 4 quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại, theo đó, biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với pháp nhân thương mại gồm:

- Phong tỏa tài khoản (phong tỏa tài khoản tiền, phong tỏa tài khoản chứng khoán);

- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền bảo đảm thi cưỡng chế biện pháp tư pháp để bán đấu giá (Kê biên tài sản);

- Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại.

* Điều 12 quy định về ra quyết định và gửi quyết định phong tỏa tài khoản như sau:

- Sau khi lập biên bản quy định tại Điều 5 và căn cứ vào Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Nghị định này thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định phong tỏa tài khoản.

- Quyết định phong tỏa tài khoản bao gồm những nội dung sau: số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị người ra quyết định; tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp, mã số thuế của pháp nhân thương mại bị phong tỏa tài khoản; số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa, tên tài khoản bị phong tỏa, phạm vi phong tỏa, số tiền phong tỏa (đối với tài khoản là tiền tại các tổ chức tín dụng), số chứng khoán phong tỏa (đối với tài khoản chứng khoán tại công ty chứng khoán), thời điểm bắt đầu phong tỏa, thời gian phong tỏa, trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và các thông tin khác (nếu có); chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

* Việc hủy quyết định phong tỏa tài khoản được quy định tại Điều 15 với những nội dung đáng chú ý sau:

- Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi pháp nhân thương mại chấp hành xong bản án, quyết định của tòa án hoặc ngay sau khi cơ quan, tổ chức đã thực hiện xong yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền đã ra quyết định phong tỏa tài khoản có trách nhiệm hủy quyết định phong tỏa tài khoản. 

- Sau khi ra quyết định hủy quyết định phong tỏa tài khoản thì cơ quan thi hành án hình sự phải gửi cho tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại để thi hành quyết định hủy phong tỏa tài khoản hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam để thi hành quyết định hủy phong tỏa tài khoản chứng khoán. Tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại hoặc Trung tập lưu ký chứng khoán thực hiện hủy phong tỏa tài khoản ngay khi nhận được Quyết định hủy phong tỏa tài khoản và thông báo bằng văn bản việc hủy Quyết định phong tỏa tài khoản cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền và pháp nhân thương mại đang chấp hành án, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại trong thời hạn 03 ngày làm việc.

* Kê biên tài sản được quy định tại Mục 2 của Chương II, trong đó, quy định về trường hợp áp dụng biện pháp kê biên tài sản được quy định tại Điều 17 như sau:

- Biện pháp kê biên tài sản được áp dụng để bảo đảm việc cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp quy định tại điểm b và điểm c Khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự.

- Chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền bảo đảm cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

* Điều 25 quy định về chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá với nhưng nội dung đáng chú ý sau:

- Đối với tài sản bị kê biên để bán đấu giá, giá khởi điểm được xác định theo quy định tại Điều 24 Nghị định này. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra quyết định cưỡng chế ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản bị kê biên để bán đấu giá; trường hợp không ký được hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thì thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản.Việc bán đấu giá tài sản bị kê biên được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

- Trong trường hợp tài sản kê biên là hàng hóa cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá không có nơi cất giữ tài sản thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tài sản đó. Chi phí cho việc thực hiện hợp đồng bảo quản được thanh toán từ số tiền bán đấu giá tài sản thu được sau khi bán đấu giá.

- Ngoài ra, trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản nhiều hơn số tiền để bảo đảm thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc cưỡng chế thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày bán đấu giá, cơ quan thi hành biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản bán đấu giá làm thủ tục trả lại phần chênh lệch cho pháp nhân thương mại bị cưỡng chế và được lập thành biên bản giao nhận.

* Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại được quy định tại Mục 3 của Chương II; Bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế và chi phí cưỡng chế được quy định tại Chương III.

Toàn văn dự thảo Nghị định hiện được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 02 tháng kể từ ngày 21/10/2019 đến ngày 21/12/2019.

 

PV

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất