Hoạt động của Học viện
Thứ Tư, 8/7/2015 10:29'(GMT+7)

Đồng chí Giám đốc Học viện dự Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc

Hai trưởng đoàn Đinh Thế Huynh và Lưu Kỳ Bảo tại Hội thảo

Hai trưởng đoàn Đinh Thế Huynh và Lưu Kỳ Bảo tại Hội thảo

Chủ đề của hội thảo lần này là "Phát triển và sáng tạo quản trị xã hội - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc". Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Trung Quốc do đồng chí Lưu Kỳ Bảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương làm Trưởng Đoàn. Tham gia đoàn đại biểu Việt Nam có các đồng chí lãnh đạo Hội đồng lý luận Trung ương, Ban đối ngoại trung ương Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, cán bộ và chuyên gia một số bộ ngành trung ương. Về phía Bộ Công an có đồng chí Thượng tướng PGS.TS Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương; đồng chí Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân.

Đồng chí Đinh Thế Huynh và đồng chí Lưu Kỳ Bảo đã dẫn đầu hai đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành hội đàm. Hai bên đã đi sâu trao đổi ý kiến về quan hệ hai Đảng, hai nước, về quan hệ hợp tác, giao lưu giữa hai ban Tuyên giáo, Tuyên truyền Trung ương hai Đảng.

Trong bài phát biểu đề dẫn với chủ đề "Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo quản lý, phát triển xã hội trong thời kỳ đổi mới", đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế phải đặc biệt chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân.

Trong 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Công tác an sinh xã hội, phát triển và quản lý xã hội ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tiếp tục đưa đất nước phát triển đi lên.

Về phía Trung Quốc, trong bài phát biểu đề dẫn với chủ đề "Tìm tòi thực tiễn và kinh nghiệm chủ yếu xây dựng xã hội của Trung Quốc", đồng chí Lưu Kỳ Bảo nhấn mạnh, song song với việc phát triển kinh tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc hết sức coi trọng xây dựng xã hội, đưa ra nhiệm vụ chiến lược xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa.

Ở Trung Quốc, từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của xây dựng xã hội, đẩy mạnh công tác dân sinh và quản trị xã hội, giải quyết những vấn đề người dân quan tâm nhất, thúc đẩy công tác xây dựng xã hội giành được những thành quả quan trọng.

Đồng chí Đinh Thế Huynh và đồng chí Lưu Kỳ Bảo đều nhấn mạnh, hội thảo lý luận lần này sẽ góp phần nhận thức sâu sắc hơn về quy luật xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước, tham khảo và học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm hay, cách làm tốt để tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý, phát triển xã hội, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển xã hội vì cuộc sống hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân hai nước Việt nam và Trung Quốc.

Tại Hội thảo có 11 tham luận được trình bày, đánh giá toàn diện các thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc và công cuộc đổi mới tại Việt Nam với chủ đề phát triển và sáng tạo quản trị xã hội.

Tại Hội thảo Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham luận với chủ đề “Bảo đảm an ninh xã hội và an ninh con người tại Việt Nam”.

 

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt nam tại Hội thảo

Trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam, đổi mới về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nói chung, đổi mới về bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, làm nền tảng cho sự ổn định và phát triển đất nước.


Vấn đề an ninh xã hội, an ninh con người và bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người hiện đang là mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.


Theo nghĩa rộng, an ninh xã hội được hiểu là sự ổn định, sự bình yên, của một chế độ, một quốc gia. Khái niệm này dùng để chỉ trạng thái yên ổn trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội; là một trật tự, nề nếp, kỷ cương trong toàn bộ những hoạt động của con người trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hoá tư tưởng. Khái niệm rộng về an ninh xã hội cũng được sử dụng trong khi so sánh, đánh giá mối quan hệ của vấn đề an ninh trong một đất nước với an ninh trong khu vực và toàn cầu.

 

Theo nghĩa hẹp, ở Việt Nam việc đảm bảo an ninh xã hội có nội dung bao gồm: Phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm hình sự; phòng ngừa, ngăn chặn và bài trừ tệ nạn xã hội; giữ gìn trật tự xã hội, phòng chống các vi phạm hành chính; bảo vệ môi trường. Theo nghĩa hẹp này thì khái niệm "an ninh xã hội" có nội dung nằm trong phạm trù “ trật tự an toàn xã hội”. 


 An ninh xã hội có những đặc điểm, đặc trưng cơ bản sau đây:
 An ninh xã hội là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển của mỗi Nhà nước.
 An ninh xã hội là bộ mặt của mỗi quốc gia, là biểu hiện bên ngoài phản ánh sự vững mạnh về chế độ chính trị, về tiềm lực kinh tế, cũng như trình độ dân trí và mức độ văn minh của quốc gia.
 An ninh xã hội mang tính lịch sử, từng bước có xu hướng vận động theo những tiêu chí văn minh, tiến bộ của nhân loại.

 

Điểm trung tâm của an ninh xã hội là an ninh con người.


Khái niệm “an ninh con người” lầu đầu tiên được nêu lên trong Báo cáo phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 1994.


“Báo cáo phát triển con người” năm 1994 của Liên hợp quốc đó đưa ra quan niệm về an ninh con người là “sự an toàn của con người trước những mối đe dọa kinh niên như nghèo đói, bệnh tật và đàn áp, và những sự cố bất ngờ, bất lợi trong đời sống hàng ngày”. Ngày nay, những mối đe doạ đối với con người (thất nghiệp, ma tuý, tội phạm, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền, xung đột vũ trang, khủng bố, tai nạn giao thông,...) không còn mang tính chất riêng lẻ đối với một quốc gia, một dân tộc nhất định mà đó trở thành vấn đề phổ biến đòi hỏi phải có sự phối hợp giải quyết của nhiều quốc gia, thậm chí là tất cả các quốc gia. An ninh xã hội, an ninh con người vì vậy đã trở thành tâm điểm của sự hợp tác quốc tế, trong đó, yếu tố con người được coi là nền tảng, là mục đích hướng tới để bảo vệ. An ninh xã hội, an ninh con người cũng bao hàm mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển bền vững và vấn đề bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Cũng từ đây đó xuất hiện thuật ngữ an ninh phi truyền thống mà trong nhiều Tuyên bố chung giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã nêu ra.


Theo quan niệm của Liên hợp quốc, an ninh con người được cấu thành bởi 7 nhân tố cơ bản, bao gồm: 1. An ninh kinh tế; 2. An ninh lương thực; 3. An ninh sức khoẻ; 4. An ninh môi trường; 5. An ninh cá nhân; 6. An ninh cộng đồng; 7. An ninh chính trị.


Có thể nói chính sự ra đời của khái niệm an ninh con người đó tạo ra những thay đổi quan trọng trong nhận thức của nhiều quốc gia về khái niệm “an ninh”. Trong đó quan trọng nhất chính là nhận thức về hai khía cạnh: an ninh cho ai và an ninh trước các mối đe dọa nào?


Nếu như theo cách hiểu truyền thống, an ninh đồng nghĩa với an ninh quốc gia, trong đó quốc gia là chủ thể cần được bảo vệ về mặt an ninh, thì theo cách hiểu mới, con người và xã hội nổi lên trở thành chủ thể chính của an ninh và cần được ưu tiên bảo vệ. Bên cạnh đó, nếu như an ninh truyền thống (hay an ninh quốc gia) đề cao mối đe dọa đến từ ngoại xâm đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia thì an ninh con người, an ninh xã hội ( hay thường được gọi là an ninh phi truyền thống) tập trung vào các mối đe dọa thuộc “chính trị cấp thấp”, như nghèo đói, kém phát triển, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, tội phạm, khủng bố,…


An ninh phi truyền thống là một cụm từ mới, được xuất hiện chính thức trong “Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống" thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6, giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tại Phnôm Pênh (Campuchia) ngày 01-11-2002. Đó là những vấn đề về các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm khủng bố và ma túy đe dọa an ninh khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trong và ngoài khu vực. Cũng trong Tuyên bố trên, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã bày tỏ "sự quan ngại về những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng như buôn lậu, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao".


Thực chất an ninh phi truyền thống là một loại quan niệm an ninh mới. Bản chất của nó là vấn đề xuyên quốc gia do nhân tố phi chính trị, phi quân sự gây ra, trực tiếp ảnh hưởng, thậm chí uy hiếp tới sự phát triển, ổn định và an ninh của nước mình, nước khác, thậm chí là khu vực và toàn cầu.


Hiện nay, những vấn đề an ninh xã hội, an ninh con người, an ninh phi truyền thống đã vượt qua khỏi phạm vi lợi ích an ninh quốc gia của một nước, trở thành những thách thức mang tính toàn cầu, bởi hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế nhất là khủng bố bằng vũ khí sinh, hóa học, bệnh dịch là "không biên giới". Chính vì vậy, cuộc đấu tranh với những vấn đề này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, những giải pháp và bước đi hài hòa kết hợp giữa kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp luật, khoa học - kỹ thuật và các mặt khác.


Có 3 vấn đề quan trọng đã và đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm chỉ đạo trong tiến trình bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người:  

 
Thứ nhất, tội phạm, tệ nạn ma túy và các tội phạm xuyên quốc gia.
 Trong những năm qua Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần ổn định tình hình phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp.
 Nổi lên là:
 - Tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài.
 - Tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép.
 - Tội phạm ma túy quốc tế.
 - Tội phạm sản xuất, buôn bán tiền giả, hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu, lừa đảo kinh tế, trốn thuế xuất nhập khẩu ở khu kinh tế thương mại tự do, thương mại điện tử.
 - Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
 - Tội phạm do người Việt Nam ở nước ngoài gây ra rồi trốn về Việt Nam.
 - Tội phạm do người nước ngoài gây ra ở Việt Nam.
 - Hoạt động khủng bố liên quan đến Việt Nam: ở Việt Nam tuy chưa xảy ra hoạt động khủng bố, nhưng các mục tiêu của khủng bố quốc tế đó và đang xuất hiện các nguy cơ khủng bố tại Việt Nam.
 - Tội phạm sử dụng công nghệ cao.

 

Thứ hai, các nguy cơ, thách thức an ninh lương thực, an ninh môi trường, bệnh dịch.
Đây là những đe dọa an ninh xã hội, an ninh con người, an ninh phi truyền thống đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Việt Nam nói riêng. Sự tổn hại này đó ảnh hưởng đến sự vận động quan hệ quốc tế của thế giới, khu vực cũng như ở nước ta hiện nay và trong tương lai.


Về an ninh lương thực,  mặc dù đó là nước xuất khẩu gạo, an ninh lương thực vẫn được coi là mục tiêu hàng đầu ở Việt Nam. 


Biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu tác động lên tất cả các lĩnh vực kinh tế – tài chính, văn hóa – xã hội, y tế – giáo dục và nhất là tác động tới các vấn đề an ninh xã hội, an ninh con người, an ninh phi truyền thống. Biến đổi khí hậu có tác động mạnh mẽ và được xem như là một trong những thách thức lớn nhất đối với môi trường an ninh – phát triển toàn cầu và ở Việt Nam trong thế kỷ XXI.


Biến đổi khí hậu sẽ tạo ra và làm trầm trọng thêm sự bất ổn định về chính trị, gia tăng bạo lực; cơ cấu địa chính trị cũng có sự thay đổi lớn; sự bố trí quốc phòng – an ninh có sự xáo trộn không nhỏ. Ở Việt Nam, mỗi năm thiên tai cướp đi mạng sống của 466 người, thiệt hại trên 1,5 tỷ USD tương đương 1,5% GDP.


Bệnh dịch và các thảm họa thiên nhiên: Việt Nam tuy không là quốc gia có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tuy nhiên một số loại dịch bệnh đã và đang xuất hiện ở một số khu vực cũng đe dọa đến an ninh xã hội và an ninh con người như viêm màng não Nhật Bản (Japanese encephalitis); bệnh dại; sốt rét; bệnh viêm gan A; bệnh tả; lao; sốt xuất huyết; uốn ván; bệnh bạch hầu; bệnh ho gà; sởi; viêm gan B; viêm gan E ;H5N1; bệnh thương hàn.


Ngoài ra, tuy không nằm trong vùng nguy hiểm về động đất và sóng thần nghiêm trọng của thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước có hiểm họa động đất khá cao.
 

Thứ ba, tai nạn giao thông.
Việt Nam hiện đứng thứ 4 về số người chết vì tai nạn giao thông trên thế giới sau các nước: Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan. Hiện trung bình mỗi ngày có 30-35 người chết vì tai nạn giao thông.


Cuộc đấu tranh đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người, với những nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống đòi hỏi phải có quan điểm và cách tiếp cận mới; hợp tác đa phương và sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế; những giải pháp và bước đi hài hòa kết hợp giữa hợp tác quốc phòng – an ninh với kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp luật, khoa học – kỹ thuật. Trong đó, hợp tác quốc tế được xác định là những lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa các nước trong khu vực.


Để đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người, phòng ngừa, đối phó, giải quyết với các nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện:


Thứ nhất, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh... là những vấn đề cơ bản tạo nền tảng vững chắc cho đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người, đối phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Thứ hai, nâng cao ý thức cho mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ Tổ quốc , chống “ diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người trong thời kỳ mới.
Thứ ba, chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và tội phạm xuyên quốc gia.
Thứ tư, xây dựng Chiến lược an ninh lương thực, an ninh môi trường và phòng ngừa, giải quyết các dịch bệnh từ cơ sở.
Thứ năm, tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.


Trong những năm qua, giữa CHXNCN Việt Nam và CHND Trung Hoa đó thiết lập nhiều cơ chế hợp tác bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người như ký kết các Hiệp định, Bản ghi nhớ hợp tác về tương trợ tư pháp, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức tuần tra chung,v.v. và định kỳ hàng năm tổ chức các cuộc họp kiểm điểm, đánh giá tình hình hợp tác giữa Bộ Công an hai nước, Công an các tỉnh giáp biên giới. Kết quả hợp tác đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh xã hội và an ninh con người tại Việt Nam.


Trong thời gian ở Trung Quốc, đồng chí Giám đốc Học viện cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã tiếp kiến Bí thư Thành ủy Thượng Hải, tham quan một khu dân cư tại Thành phố Thượng Hải, thăm đại diện Tập đoàn Công nghệ thông tin viễn thông Hoa Wei và một số danh lam thắng cảnh của thành phố kinh tế lớn nhất Trung Quốc.

Nhật Nam

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất