Hoạt động của Học viện
Thứ Sáu, 5/8/2016 9:49'(GMT+7)

Đoàn Ban Giám đốc Học viện và các chuyên viên cấp cao đi khảo sát, nghiên cứu an ninh, trật tự tại Lào Cai và Phú Thọ

Đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân tại đỉnh Fansipan (cột mốc mới do Việt Nam lập ra)

Đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân tại đỉnh Fansipan (cột mốc mới do Việt Nam lập ra)

Tại Lào Cai, đoàn đã làm việc với Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, thăm quan và nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự tại Thành phố Lào Cai, thăm quan và nghiên cứu tình hình phát triển du lịch và bảo vệ an ninh, trật tự tại một địa bàn du lịch nổi tiếng ở nước ta tại Thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, nghiên cứu tình hình phòng chống tội phạm buôn bán người tại địa bàn biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

 

Sáng ngày 30/7/2016, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Lào Cai, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2016. Tham dự buổi lễ, có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và tỉnh Lào Cai.

 

Từ năm 2013, Liên hợp quốc đã chọn ngày 30/7 là “Ngày thế giới phòng chống mua bán người”. Ở Việt Nam, đây là năm đầu tiên tổ chức hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm tuyên truyền rộng rãi và huy động sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội đối với công tác phòng, chống mua bán người.


Tỉnh Lào Cai, nơi diễn ra Lễ phát động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người và cũng là nơi đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân nghiên cứu, khảo sát, là địa bàn giáp biên giới Trung Quốc - nơi có 70% số vụ mua bán bán người đưa ra nước ngoài của Việt Nam. Có cửa khẩu quốc tế thông thương thuận tiện, có đường biên giới dài hơn 180km với nhiều khu vực hẻo lánh, là địa bàn các đối tượng thường xuyên lựa chọn để buôn bán người qua biên giới. Theo thống kê giai đoạn 2011-2015, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, điều tra khám phá 392 vụ, 458 đối tượng, chiếm 17,8% so với tổng số vụ trên toàn quốc.      

Các đại biểu tham gia đi bộ chống buôn bán người tại Thành phố Lào Cai

Đồng chí Đại tá, TS. Đinh Tiến Quân, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đã báo cáo với Đoàn tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Lào Cai sau hơn 2 năm khai thông tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội- Lào Cai, đặc biệt là tình hình phát triển du lịch tại Sa Pa sau khi khánh thành tuyến cáp treo Thị trấn Sa Pa tới đỉnh Fansipan do tập đoàn Sun Group tổ chức.

 

Trong thời gian qua, Công an tỉnh Lào Cai đã chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Trong công tác phòng ngừa tội phạm, lực lượng Công an đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tại các địa bàn trọng điểm; Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự; Tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm cho nhân dân 22 xã, phường, thị trấn trọng điểm. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm: đấu tranh với tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội tại các địa bàn chuyển hóa trong 02 năm qua đã xảy ra 240 vụ, 312 đối tượng, điều tra làm rõ 240 vụ, khởi tố 133 vụ, 143 đối tượng; đấu tranh với tội phạm ma túy trong 02 năm đã phát hiện và triệt phá 53 vụ, 67 đối tượng, điều tra làm rõ 53 vụ, khởi tố 53 vụ, 67 bị can; Lực lượng Công an ở các địa bàn trọng điểm phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.

 

Đoàn đã tham quan thị trấn du lịch Sa Pa, một địa bàn du lịch nổi tiếng của nước ta.


Thị trấn Sa Pa trong mây chiều (Nguồn: Internet)

Đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân đã cùng đồng chí Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai thăm quan hệ thống cáp treo Fansipan của Tập đoàn Sun Group, khám phá đỉnh Fansipan và khảo sát tình hình bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn du lịch huyện Sa Pa.


Đỉnh mốc Fansipan cao 3143m (Nguồn: Internet)

Ngày 2/2/2016, UBND tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Sun Group đã khánh thành tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới, lần đầu tiên có mặt tại Châu Á - Fansipan Sapa tại Sapa, Lào Cai. Tại lễ khai trương, đại diện Kỷ lục Thế giới - Guinness World Record đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sapa là: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1410m và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6292.5m. Tuyến cáp treo Fansipan Sapa được khởi công vào tháng 11/2013, do Tập đoàn Sun Group đầu tư và thực hiện với sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo số 1 thế giới Doppelmayr Garaventa.


Cáp treo có độ cao 3.143m so với mực nước biển, khởi điểm từ Thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan - “nóc nhà Đông Dương” tại Việt Nam. Mỗi cabin cáp treo Fansipan Sapa có sức chứa tối đa 30 - 35 khách, công suất vận chuyển lên tới 2.000 khách/h, rút ngắn thời gian di chuyển lên đỉnh Fansipan xuống còn 15 phút thay vì 2 ngày đi bằng đường bộ hiểm trở. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng. Với hệ thống ba dây hiện đại nhất thế giới, Cáp treo Fansipan Sapa có khả năng chịu được áp lực gió mạnh và thời tiết khắc nghiệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, mở ra cơ hội chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan cho cả tất cả mọi người, kể cả người cao tuổi và trẻ em.


Cáp treo Fansipan Sapa (Nguồn: Internet)

Ngoài tuyến cáp chính, các hạng mục kiến trúc như nhà ga đi, nhà ga đến, nhà hàng, quầy lưu niệm… đều được thiết kế kỳ công như những tuyệt tác nghệ thuật giữa ngàn mây. Nhà ga đi - Ga Sapa do Kiến trúc sư Bill Bensley, top 05 kiến trúc sư lừng danh thế giới thực hiện với vẻ đẹp tráng lệ đến từng chi tiết. Điều đặc biệt là mỗi đường nét kiến trúc và chi tiết trang trí đều được Bill Bensley dày công chắt lọc từ những tinh túy trong hoa văn thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tây Bắc tạo nên một công trình vừa lộng lẫy, vừa hài hòa tuyệt đối với thiên nhiên.

 

Cáp treo Fansipan đi vào hoạt động đã hiện thực hóa giấc mơ chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” cho đông đảo người dân, mở ra bước ngoặt quan trọng, góp phần tạo động lực phát triển cho ngành du lịch Sapa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Dự án cáp treo Fansipan không chỉ góp phần giúp Lào Cai và Fansipan trở thành điểm du lịch dành cho tất cả mọi người, mà còn giúp tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói riêng và của cả vùng Tây Bắc nói chung, nơi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ. Vào mùa hè năm 2016 trung bình mỗi ngày có từ 3000 đến 10.000 người đi cáp treo khám phá đỉnh cao Fanssipan.


Niềm vui của mọi người dân khi đặt chân đến đỉnh Fansipan (Nguồn: Internet)


Đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân tại đỉnh Fansipan (cột mốc do người Pháp lập ra)

Ngày 31/07/2016, Đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân đã về thắp hương tại Đền Hùng (Phú Thọ) và nghiên cứu tình hình an ninh, trật tự tại khu Đền Hùng. Những năm gần đây Học viện Cảnh sát nhân dân thường xuyên cử cán bộ, học viên lên hỗ trợ Công an tỉnh Phú Thọ trong bảo vệ an ninh, trật tự mùa lễ hội.

 

Đoàn đã nghiên cứu hệ thống camera giám sát, bảo vệ an ninh tại Khu di tích Đền Hùng. Đây là một hệ thống bảo vệ hiện đại được kết nối với 2 Trung tâm tại Trụ sở Công an tỉnh Phú Thọ và Đồn Công an khu vực Đền Hùng.

 

Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh, Thành phố Việt Trì.


Cổng lên khu di tích Đền Hùng (Nguồn: Internet)

Đền Hùng được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh. Từ Hà Nội theo quốc lộ số 2 đến thành phố Việt Trì (84km) đi tiếp khoảng 10km đến ngã ba Hàng rẽ về bên trái 3km là đến khu di tích.

 

Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng.

Đền Hạ: Từ chân núi Hùng rẽ qua Đại môn (cổng đền) leo qua 225 bậc thang xây bằng gạch lên đến đền Hạ và chùa (Thiên Quang tự). Đền được xây vào thế kỷ XV, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, nơi đây chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản Thủ đô có nói chuyện với chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỷ XVII - XVIII. Kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi tòa ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.


Đền Hạ (Nguồn: Internet)

Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu): Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày. Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa.

 

Đền Thượng: Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thượng, nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Đây cũng là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thân lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.


Đền Thượng (Nguồn: Internet)

Tục truyền đây còn là nơi vua Hừng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Đền được làm kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng qua bốn cấp khác nhau gồm: nhà chuông trống (cấp I), đại bái (cấp II), tiền tế (cấp III) và hậu cung (cấp IV). Bên phía tay trái Đền có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Cột đá cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông. Đến năm l968, Ty Văn hoá Vĩnh Phú tôn tạo lên bệ như hiện nay.

 

Tại điện Kính Thiên (Đền Thượng), đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân do đồng chí Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn và đoàn Công an tỉnh Phú Thọ do đồng chí Đại tá Đỗ Văn Hoành, Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng đoàn đã thành kính thắp hương Vua Hùng. Đồng chí Đại tá, PGS.TS Trần Minh Chất, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân đã thay mặt hai đơn vị kính báo Vua Hùng, cầu chúc cho đất nước thanh bình, phát triển, cho lực lượng Công an nhân dân nói chung, Học viện Cảnh sát nhân dân và Công an tỉnh Phú Thọ nói riêng ngày càng phát triển và trưởng thành.


Đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân trước cửa Đền Thượng

Lăng vua Hùng: Tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa là mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (1922) trùng tu lại Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong lăng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1,0m. Mộ có mái mui luyện. Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính). Phía trên ba mặt lăng đều có đề: Hùng Vương lăng (Lăng Hùng Vương).

 

Đền Giếng: Từ lăng đi xuống, đền ở chân núi phía Đông Nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được. Đền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này. Ngày nay, ở gần Công Quán (nơi để tiếp khách thập phương) có Bảo tàng Hùng Vương được xây dựng tương đối lớn trưng bày nhiều hiện vật thời kỳ Hùng Vương dựng nước qua nền văn hoá thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Cổng Đền Giếng được xây vào thế kỷ XVIII, kiểu dáng gần giống cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn. Cổng xây theo kiểu kiến trúc 2 tầng 8 mái. Tầng dưới, giữa có một cửa xây kiểu vòm, hai bên có hai cột trụ trên lắp nghê chầu. Tầng trên giữa cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi miếu nhỏ trong núi). Hai bên có đề câu đối và tượng hai võ sỹ. Mặt sau cổng đắp hổ, mỗi con một bên.

 

Đoàn đã thăm Công an tỉnh Phú Thọ và thắp hương tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được xây dựng trong khuôn viên Công an tỉnh.

Nhật Nam

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất