Hoạt động của Học viện
Thứ Ba, 26/2/2019 17:22'(GMT+7)

Áp dụng tư duy hệ thống và Hệ thống quản lý Malik vào xây dựng và phát triển Học viện CSND trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia

Hội thảo khoa học quốc tế “Áp dụng tư duy hệ thống và hệ thống quản lý Malik vào xây dựng và phát triển Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia”. Nguồn: ANTV

Tới dự và chủ trì Hội thảo có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Đại tá, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND và ngài TS. Constantin Malik, Giám đốc phát triển và quan hệ toàn cầu Malik, Thụy Sĩ. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, đại diện các trường CAND, Công an một số địa phương khu vực phía Bắc và các đại biểu quốc tế đến từ Văn phòng Cảnh sát Liên bang Úc tại Việt Nam, Cơ quan phòng chống tội phạm Vương quốc Anh, Văn phòng Cảnh sát trưởng quốc gia, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh.

Hiện nay, tư duy hệ thống đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt trong các nghiên cứu của nhiều học giả, nhà khoa học, nhà quản lý và hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đối với Học viện CSND, trong lộ trình phát triển theo kế hoạch của Chính phủ và Bộ Công an, Học viện đang phấn đấu xây dựng nhà trường trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và đạt chuẩn quốc gia nhằm góp phần nâng cao vị thế và uy tín của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam theo xu thế phát triển của thế giới và khu vực trong quá trình hội nhập quốc tế.

Do vậy, xây dựng và phát triển mô hình trường đại học thông minh là yêu cầu tất yếu khách quan hiện nay, đáp ứng xu thế phát triển, đón bắt cơ hội và tiếp cận những thành tựu mới trong thế giới kết nối vạn vật, thúc đẩy quá trình đổi mới các yếu tố của giáo dục, đào tạo trong Học viện CSND nói riêng và công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân (CAND) nói chung. Trên chặng đường phát triển đó, việc áp dụng tư duy hệ thống sẽ là một trong những giải pháp tối ưu nhất cho Học viện CSND hiện nay.

Viện nghiên cứu Malik cảm ơn những đóng góp của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành

Việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế sẽ là điều kiện để Học viện CSND nghiên cứu, tiếp cận nhiều hơn các vấn đề lý luận về tư duy hệ thống, qua đó góp phần tăng cường nhận thức về tư duy hệ thống và áp dụng tư duy hệ thống vào công tác quản lý; áp dụng tư duy hệ thống và hệ thống quản lý trong thực tiễn công tác xây dựng nguồn nhân lực và giải quyết các vấn đề có liên quan đến đảm bảo an ninh, trật tự, xây dựng và phát triển Học viện trở thành trường Đại học trọng điểm, đạt chuẩn quốc gia quốc gia; đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế.

Với mục đích trên, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ nhận thức khoa học về tư duy hệ thống; trao đổi kinh nghiệm quốc tế và bài học rút ra trong việc áp dụng tư duy hệ thống trong các lĩnh vực của khoa học và thực tiễn xã hội; triển khai áp dụng tư duy hệ thống và hệ thống quản lý Malik vào xây dựng và phát triển Học viện CSND trở thành trường Đại học trọng điểm quốc gia nói riêng và các trường Công an nhân dân nói chung.

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, với vai trò là nhà khoa học và nhà quản lý luôn quan tâm đến việc tạo ra những chuyển biến tích cực cho các hệ thống phát triển bền vững trong thực tiễn, đã trình bày khái quát những nhận thức về hệ thống, tư duy hệ thống, những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các nhà trường CAND. Từ đó, đề cập đến những yêu cầu đối với giáo dục, đào tạo trong CAND và việc áp dụng tư duy hệ thống, các ứng dụng khoa học điều khiển vào thực tiễn quản lý, quản trị và điều hành.

Từ quan điểm của nhà khoa học thiên tài Albert Einstein “Chúng ta không thể giải quyết vấn đề của chúng ta với cùng một suy nghĩ mà chúng ta đã sử dụng khi tạo ra chúng”, đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, nghiên cứu tư duy hệ thống nhằm cung cấp cho con người phương pháp tư duy, ngôn ngữ riêng, tập hợp các công cụ có thể dùng để đề cập đến những vấn đề phức tạp hóc búa nhất trong công việc và cuộc sống xã hội; nghiên cứu hệ thống, sức ỳ của hệ thống, cách xác định điểm đòn bẩy trong hệ thống, tổ chức để tác động một lực nhỏ nhất nhưng lại mang lại hiệu quả lớn nhất trong công việc và cuộc sống.

Cũng tại Hội thảo, TS. Constantin Malik, Giám đốc phát triển và quan hệ toàn cầu Malik, Thụy Sĩ đã giới thiệu khái quát về tư duy hệ thống, Hệ thống quản lý Malik và hiệu quả áp dụng Hệ thống này trong thời gian qua. Theo TS. Constantin Malik, Hệ thống quản lý Malik là kết quả của hơn 40 năm nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi, các vị trí cơ bản của hệ thống, giá trị khách hàng và trách nhiệm xã hội. Các giải pháp của Malik nhấn mạnh vào việc liên kết chéo trí thông minh, sáng tạo, chuyên môn và kinh nghiệm của tất cả những người liên quan, với số lượng lớn, để thiết lập sự đồng thuận chặt chẽ - là môi trường để tạo ra các giải pháp sáng tạo và các liên kết cảm xúc cần thiết để thực hiện các giải pháp đó. Trên thực tế, tư duy hệ thống đã được nghiên cứu, áp dụng vào nhiều lĩnh vực cụ thể khác nhau như: xây dựng tầm nhìn và chiến lược, tăng cường chương trình đào tạo sau đại học, xử lý các vấn đề an ninh mạng… tại các quốc gia như Nhật Bản, Australia, Mỹ…

Do đó, TS. Constantin Malik cho rằng tư duy hệ thống và Hệ thống quản lý Malik hoàn toàn có thể áp dụng tại Học viện CSND để xây dựng Học viện trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia. Trên cơ sở nội dung Bản ghi nhớ hợp tác vừa qua giữa Học viện và Viện Malik , các chuyên gia của hai bên sẽ nghiên cứu, thiết kế các khóa đào tạo tùy chỉnh phù hợp về tư duy hệ thống, công cụ hệ thống, quản lý hiệu quả, v.v để tăng cường hiệu quả của lãnh đạo và quản lý của Nhà trường.

Đại tá, GS.TS Trần Minh Hưởng phát biểu tại Hội thảo 

Phát biểu tại Hội thảo, Đại tá, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc nghiên cứu và áp dụng tư duy hệ thống trong lộ trình xây dựng Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và đạt chuẩn quốc gia.

Tại Học viện CSND, trên cơ sở tư duy hệ thống nhằm mục tiêu xây dựng Học viện CSND thông minh, Nhà trường đã xác định 4 trụ cột chính bao gồm: (1) Học viện CSND điện tử, (2) Ứng dụng công nghệ thông tin và IoT (Internet of Things), (3) Giảng đường thông minh, (4) Thư viện điện tử. Việc triển khai 4 trụ cột trên sẽ tác động mạnh mẽ và tích cực đến toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên và sinh viên nhà trường. Quán triệt tư duy hệ thống sẽ tạo nên sự kết nối hiệu quả giữa các yếu tố trên, xây dựng cơ chế vận hành khoa học, đồng bộ, minh bạch, dân chủ và hiệu quả.

Trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng và phát triển Học viện CSND thông minh, đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong CAND giai đoạn mới, Học viện rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước cũng như Bộ Công an. Vì vậy, Học viện đề nghị Chính phủ, Bộ Công an bố trí nguồn vốn tương xứng để triển khai kế hoạch xây dựng Học viện CSND thông minh. Đây sẽ là mô hình trường đại học thông minh thí điểm đầu tiên trong các trường CAND, đồng thời sẽ là mô hình đầu tiên áp dụng tư duy hệ thống trong lãnh đạo, điều hành, quản trị trường học và áp dụng công nghệ trong quản trị nhà trường theo nguyên tắc: “Đồng bộ dữ liệu, liên kết tài nguyên và chia sẻ kịp thời”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức đã thu được nhiều ý kiến tâm huyết, quý báu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo việc áp dụng tư duy hệ thống và Hệ thống quản lý Malik vào xây dựng, phát triển Học viện CSND trở thành trường trọng điểm và đạt chuẩn quốc gia, một trong những trường đi đầu trong các trường CAND.

PV


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất